bai.hoc-kien.truc-dau.tien-hochanhkientruc.art
Hình 1:  BÀI HỌC KIẾN TRÚC đầu tiên (Nguồn: Kiến Cận) 

ĐỖ XUÂN ĐẠM
14/9/2010

      Cơ duyên đưa tôi đến với nghề Kiến trúc sư – Nói ra thật trẻ con! …

      Cuối năm Đệ tứ1, trước khi cho tôi tiền đi chơi hè, Ba tôi ra cho tôi một câu hỏi : “Sau này anh sẽ làm nghề gì?”, loay hoay mãi tôi chọn nghề KTS, mặc dù lúc ấy tôi chưa thật sự hiểu mày ngang, mũi dọc của nghề này như thế nào!

      Lý do thứ hai là tôi vào trường xem mấy anh sinh viên KT, mới năm thứ hai mà vẽ analogues2 đẹp như hình chụp!

      Lý do thứ ba là khi cái chú nhóc tỉnh lẻ là tôi lò dò vác cái bằng Tú tài toàn phần3 vào chốn thành đô thì biết chương trình học của trường KT dài những 6 năm, tha hồ mà hoãn dịch, lại chỉ việc ghi danh thôi chứ không phải qua thi tuyển.

      Với hành trang ngây ngô như thế! tôi phom phom bước vào trường KT. Để bị dội ngay mấy gáo nước lạnh vào đầu, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa đen là trong “Lễ Rửa tội4 tôi lớ ngớ chen lên trước nên lãnh đủ cả một thau nước, đã bị ướt như chuột lột mà còn có mùi gì khó ngửi nữa chứ, nghĩa bóng thì bài học lý thuyết đầu tiên là cái cầu tiêu!

      Cố giáo sư PHẠM VĂN THÂNG phán: “Bổn phận của bọn cốt đột5 tụi mày là làm cho Khách hàng Khu vệ sinh và Khu bếp thật tiện nghi trước khi tính đến chuyện gì khác.”

     y thế, từ cái con thỏ ngăn mùi hôi trong bàn cầu, từ cái hầm tự hoại ba ngăn với mấy con vi khuẩn yếm khí anaérobies ấy! chẳng mấy chốc tôi đã học được nhiều điều lắm! Biết hội họa, nặn tượng, biết binh bài, biết đi bóng, biết rendu6, biết stéreotomie7, construction8, béton armé9, concours10, decors11, …

     Lần đầu làm analogue2, khi cầm cọ đi bóng cây cột tròn Corinthien12 chiếm gần hết chiều cao của tấm bảng A1 (grand aigle) tôi liền học được một “chân lý ” mà tôi đã áp dụng suốt đời là: “Cứ làm tới đi, ăn thua mình gan hà!”.

     Bởi thế hè năm thứ ba tôi đã ôm T, ê ke13, giấy can14 theo ông bạn của Ba tôi xuống Bến tre vẽ nhà cho người ta, đúng đầu mùa sầu riêng nên sau bữa cơm đều được mời một chén hai múi sầu riêng mùi ngửi không nổi, kết quả là năm sau khi đi ngang qua chợ Tân định tôi nghe mùi sầu riêng thơm điếc mũi và từ đó biết mê sầu riêng.

     Năm thứ tư tôi tự thiết kế nhà mình ở gần cầu Kiệu, 5m x 19m một trệt, 3 lầu (ghê chưa?), nay người ta mở nhà hàng, khách đầy 3 tầng lầu mà vẫn không phải hút hầm cầu.

     Năm thứ năm tôi được Ban đại diện sinh viên mời làm chef décorateur15 cho Lễ Truyền thống của trường, và làm luôn một mạch 3 năm liền, nhờ kinh nghiệm này mà tôi làm sân khấu đại hội nhạc trẻ nổi đình đám, và thời sau giải phóng vật liệu khan hiếm, khi cải tạo lâu đài chú Hỏa16 Long Hải thành khách sạn sang, không có vải làm ri-đô tôi dám lấy bao bố ngâm nước javel tẩy trắng, đánh cho xù lông rồi phun nhũ và sơn lumineux làm màn trang hoàng đại sảnh và phòng khánh tiết, bên A chẳng biết là chất liệu gì cứ khen rối rít!

     Sau khi ra trường được 5–6 năm tôi nghiệm ra một điều nho nhỏ khác là những gì mình học được phải có đủ thời gian “chín” để trở thành máu thịt của mình thời mới hữu dụng, bởi vậy tôi đặt ra một thang điểm cho riêng mình như thế này :

     Nếu lấy thang điểm 10 thì :

+  Khi vừa tốt nghiệp =  2,5-3 điểm: chưa thể làm thiết kế một mình;
+  5 năm sau =  4-5 điểm: làm tốt công việc và là lực lượng mà xã hội cần nhiều nhất;
+  10 năm sau, có làm nghề và thường xuyên đọc sách =  6– 6,5 điểm: xứng đáng chủ trì công việc và có gì đó để dạy bảo đàn em;

+  Những người có tài năng sẽ vươn tới  7-8 điểm và là đầu đàn của một hay vài thế hệ;
+  9 và 10 điểm là thiên tài nhiều thế hệ mới mong có một người, họ có khả năng xoay chuyển cả một trào lưu kiến trúc, như Le Corbusier, như Frank L. Right, …

     Năm bốn mươi tuổi tôi lại nghiệm ra một chân lý nhỏ khác là chỉ nên thiết kế nhà ở cho người thân quen, vì mình hiểu tâm tư, lối sống của họ, mình có thể giảng giải cho họ hiểu cái mặt tiền là phục vụ cho người ở nhà đối diện, bên trong căn nhà mới thiết thân với cuộc sống thường ngày của họ, họ phải nhớ mình chỉ tạo ra không gian kiến trúc còn họ mới là người thực sống trong không gian đó, vì vậy họ phải chăm chút đến sự hoàn thiện sao cho sau này khỏi có những sự bất ý, và điều cực kỳ quan trọng là mình còn có cơ hội ghé thăm để kiểm nghiệm những gì mình đã làm ra xem nó có thật chuyển tải được những những gì là tâm đắc mà mình đã gởi gắm vào thiết kế trước đó không.

      Từ đó tôi từ chối thiết kế cho người không quen, nhất là mấy ông bà làm tài lanh đi chụp một lô nhà mẫu về đưa cho mình.

     Rồi khi làm qui hoạch, làm các building, các chung cư,… tôi lại lo cho các cháu nhỏ từ 3 đến 5 tuổi, chưa được cha mẹ cho phép tự mình xuống sân chơi nhưng ở trong nhà thì quậy phá ồn ào trong khi mẹ bận lo bữa cơm chiều, hay ngày thứ bẩy, chúa nhật, ra khoảnh hành lang chung gặp gỡ  nhau cũng dễ bị mấy người khó tính mắng, chẳng biết sau này chúng lấy đâu ra kỷ niệm về bạn hàng xóm láng giềng, chẳng lẽ chúng cũng phải ngồi đọc báo như bố hay sao?

     Rồi còn giầy dép ngày nay nhiều gấp ba bốn lần ngày xưa biết để vào đâu?
     Mùa mưa áo mưa đã làm ướt bẩn hành lang, chẳng lẽ cũng phải mang luôn vào nhà sao?

     Xứ ta là xứ nhiệt đới, người ta phải tránh nắng chứ không thèm phơi nắng như người ở xứ ôn đới, các cao ốc từ khoảng ba giờ chiều đã tạo ra một vùng bóng mát quý giá, nếu bố trí các khối công trình khéo léo ta sẽ tạo được một vùng sân vườn mát mẻ cho toàn khối, một khu sân vườn của bóng công trình.

     Nho nhỏ nhưng tôi tha lâu cũng đầy tổ phải không kiến?


CHÚ GIẢI :
1Đệ tứ: tức là Lớp 9 hiện nay (theo cách gọi của các lớp trung học trước năm 1975 thì cấp trung học có 7 lớp nên lớp 6 được gọi là đệ thất, lớp 7 gọi là đệ lục, lớp 8 gọi là đệ ngũ, v.v…).
2vẽ analoguestức vẽ bài Phân tích Kiến trúc cổ.


3Tú tài toàn phần:  tức Tú tài 2 (trước năm 1975 thì khi hết lớp Đệ nhị /Lớp 11 ngày nay thì phải thi Tú Tài 1, hết Lớp Đệ nhất /Lớp 12 ngày nay thì phải thi Tú Tài 2).
4“Lễ Rửa tội”:  trước năm 1975 thì sinh viên năm thứ I được long trọng đón rước qua một buổi lễ gọi là Lễ Truyền thống Kiến trúc; trong buổi Lễ sẽ có một nhân vật ‘thần thánh’ gọi là Thần Kiến trúc thực hiện một nghi lễ có hình thức tuỳ biến từng năm – ví dụ như bài viết đã mô tả – để gọi là “rửa tội” nhằm xoá sạch ‘bụi đời‘ lem luốc cho tân ‘dân kiến‘ hầu mong được trong sáng tiện đường cho sự sáng tạo kiến trúc.


5cốt đột:  thầy hay gọi như thế đối với các ‘dân kiến‘ theo học nghềkiến‘.
6rendu6, tức diễn hoạ kiến trúc.
7:stéreotomie: tức môn học Thiết thể kiến trúc – phân tích cấu trúc hình thành các hình dáng kiến trúc.
8construction: tức đồ án cấu tạo kiến trúc.
9:  béton armé: tức môn học bê-tông cốt thép.
10concours: tức vẽ Hoạ cảo (Esquisse – Thiết kế nhanh ngày nay), gồm có 5 thể loại: Godeboeuf (Trang trí nội thất /Décor intérieur), Delaon (Kiến trúc cảnh quan /Architecture paysagée), Labare (Bố cục lớn – Tổng mặt bằng 1 Quần thể kiến trúc /Grande composition), Rougevin (Diễn hoạ chất liệu sống thật /Rendu /Ambiance /Matière).
11decors:  tức môn học Trang trí nội thất.


12:  Corinthien: là một trong 5 Thứt kiến trúc La Mã cổ đại.
13:  T,ê ke:  tức Thước hình chữ T và Thước hình tam giác (Équerre) – 2 loại Hoạ cụ ‘thần thông‘ phổ biến của ‘dân kiến‘.
14:  giấy can: là giấy vẽ có tính trông mờ được dùng để áp lên hình tư liệu hoặc bản vẽ nháp mà chép hoặc sửa bản thảo.


15:  chef décorateur:  tức Chủ trì việc trang trí.
16:  lâu đài chú Hỏa:  tức ngôi biệt điện 6 phòng ngủ của ông Hứa Bổn Hòa (Huỳnh Văn Hoa, Hui Bon Hoa,  Huang Weng Hua /1845-1901 – thường gọi là chú Hoả) ở trên Đồi Bon Hoa gần Dinh Cô, Long Hải. Ngôi nhà đến nay vẫn bị bỏ hoang sau nhiều lần sửa chữa dang dở vì những lời đồn có ma!
17:  ri-đô (rideau): tức cài màn.


18:  nước javel:  tức là nước tẩy.
19:  sơn lumineux:  tức là sơn dạ quang.
20:  bên A:  tức là bên Chủ đầu tư.
21:  Le Corbusier:  KTS Le Corbusier – tên thật là Charles-Edouard Jeanneret (1887-1965) – là KTS người Thuỵ Sỹ đi tiên phong khai phá Nền kiến trúc hiện đại thế kỷ thứ 20.


22:  Frank L. Right:  tên đầy đủ là Frank Llyod Right (1867-1959) – KTS người Mỹ đề xướng Chủ thuyết Kiến trúc hữu cơ.
23kiến:  ý nói ‘dân kiến‘ – tức sinh viên kiến trúc mà có thể là cả giới kiến trúc.


CHÚ THÍCH :
◊  Nguồn:  Dalatarchi, Trelangkienviet.
◊ 
Hình ảnh, chú giải và ‘biên tập nhẹ‘ do Ban Biên tập hochanhkientruc.art thực hiện.


BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc.art, 05 /2024