Hình 1:  Bản đồ SÀI GÒN năm 1799 được Kỹ sư LE BRUN1 vẽ lại theo lệnh của Chúa NGUYỄN ÁNH2. Trước đó (năm 1795), Đại tá VICTOR OLIVIER3 đã vẽ Bản đồ rút gọn từ Bản đồ lớn Sài Gòn năm 1790.


     Nổi bật trên Bản đồ Sài Gòn 1799 là Bát Quái thành4 (hay Quy thành) với hệ thống các trục đường vuông góc theo phương Tây Bắc-Đông Nam. Hướng Tây Nam kết nối với Khu dân cư của người Hoa – gọi là Chợ Lớn (Bazar Chinois); còn lại hầu như bao quanh là các đồng ruộng, vườn tược và sông rạch. Sông Sài Gòn lúc bấy giờ mang tên là sông Đồng Nai (Donnai Rivière).


CHÚ GIẢI :
1:  THÉODORE LEBRUN là lính tình nguyện người Pháp đến Nam  (Nam Kỳ) và được Nguyễn Ánh tin cậy phong chức Khâm sai Cai đội oai thanh hầu (ngày 27/6/1790) – có nhiệm vụ cai quản các thành trì. Lebrun sau đó đã bỏ việc và đi qua Macao năm 1791, rồi nhận công việc trông coi nhà thợ nhuộm của người bà con ở Ile de France (Pháp, 1792) (theo Thuỵ Khuê, Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long)


2:  NGUYỄN ÁNH: Vua GIA LONG (嘉 隆) Hoàng đế (8/2/1762, Huế, Đại Việt – 3/2/1820, Huế, Việt Nam, thọ 57 tuổi) đăng quang: 1780, trị vì: 1802-1820; tên húy: Nguyễn Phúc Ánh (阮 福 暎)- Niên hiệu: Gia Long (嘉 隆) – Thụy hiệu: Khai thiên Hoằng đạo Lập kỷ Thùy thống Thần văn Thánh võ Tuấn đức Long công Chí nhân Đại hiếu Cao Hoàng đế (開 天 弘 道 立 紀 垂 統 神 文 聖 武 俊 德 隆 功 至仁 大 孝 高 皇 帝) gọi tắt là Cao Hoàng đế – Miếu hiệu: Thế Tổ (世 祖).


3:  VICTOR OLIVIER DE PUYMANEL (1768, Carpentras, Pháp – 1799, Malacca, Malaysia, mất lúc 31 tuổi), tên Việt là NGUYỄN VĂN TÍN, là sĩ quan công binh và hải quân người Pháp. Ông tham gia giám sát xây dựng thành Bát Quáithành Diên Khánh. Ông đã giúp hiện đại hóa lực lượng quân đội của Nguyễn Ánh và còn trực tiếp tham gia cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn đánh đuổi quân Tây Sơn để chiếm lấy Nha Trang(theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia)


4: THÀNH BÁT QUÁI (thành Qui)Nguyễn Ánh mở rộng dinh Phiên Trấn cũ (trấn Phiên An, 1698) ở lân (xóm) Tân Khai, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, phủ Tân Bình vào năm 1790 với yêu cầu phải hoàn thành việc đắp thành Bát Quái (thành Quy) trong vòng 10 ngày.
Thành Bát quái có 3 lớp bảo vệ và 8 cửa – ứng với 8 quẻ (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài).


MỜI XEM :
◊  SÀI GÒN XƯA – qua BẢN ĐỒ Phủ Tân Bình – năm 1815.

◊  Cổ thành Bát Quái (Thành Quy, 1790) & Thành Gia Định (Thành Phụng, 1837).

BAN BIÊN TẬP
9 /2023
hochanhkientruc@gmail.com