breeze.house-mel.schenck-hochanhkientruc.art
Hình 1:  BREEZE HOUSE – ngôi nhà đan xen lộng gió ở quận Tân Phú, Tp.HCM (Nguồn: Hiroyuki Oki – linkedin Mel Schenck)

     Ngôi nhà riêng của Kiến trúc sư MEL SCHENCK do tự tay ông thiết kế và xây dựng vào năm 2015 ở quận Tân Phú, Tp.HCM, với quy mô 5 tầng (1 tầng trệt, 3 lầu, 1 sân thượng) có diện tích đất là 5 x 25m và tổng diện tích xây dựng là 309 m2.

     Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách kiến trúc nhiệt đới hiện đại với mặt tiền thoáng gió tự nhiên tối đa cả ngày lẫn đêm. Mạng mặt nạ khung thép – hiệu ứng ‘lồng chim’ – được sử dụng bao bọc tách biệt ở phía ngoài và bao phủ toàn bộ mặt tiền của ngôi nhà – thay thế cho các song chắn ‘phòng giam’ gắn chặt vào các khung cửa như thường thấy ở Việt Nam – mà vẫn đảm bảo an ninh và thông thoáng.

breeze.house-mat.cat.doc.nha-hochanhkientruc.art
              Hình 2:  BREEZE HOUSE – Mặt cắt dọc chiều dài ngôi nhà (Nguồn: linkedin Mel Schenck)

Tầng trệt

     Sân trước và sân sau ở tầng trệt góp phần tạo nên những không gian xanh có tác dụng rút gió thông thoáng xuyên suốt chiều dài của ngôi nhà từ hướng Nam sang Bắc.

     Phòng khách ở tầng trệt kết nối liền lạc với không gian cầu thang – được chiếu sáng bởi giếng trời – bật sáng những gam màu tươi vui. Gian bếp được chiếu sáng từ sân sau với sắc xanh của cỏ cây thoáng mát.

breeze.house-tang.tret-lau.1-hochanhkientruc.art
                       Hình 3:  BREEZE HOUSE – Mặt bằng tầng trệt và lầu 1 – Kiến trúc sư MEL SCHENCK.

Tầng lầu 1

     3 phòng ngủ ở tầng lầu 1 đều được mở thoáng ra các không gian hiên – được vạt xéo nới rộng từ 1m đến 3m nhằm có thể bố trí các ghế ngồi thư dãn. Các phòng vệ sinh riêng, chung được thông thoáng bởi giếng trời hoặc cửa sổ mở trực tiếp ra ngoài trời.

breeze.house-lau.2-lau.3-hochanhkientruc.art
                         Hình 4:  BREEZE HOUSE – Mặt bằng Lầu 2 và Lầu 3 – Kiến trúc sư MEL SCHENCK.

Tầng lầu 2

     Phòng ngủ lớn mở ra ban-công vạt chéo nhằm tạo diện tích đủ rộng để bố trí các ghế ngồi thư dãn và tiểu cảnh cây xanh. Phòng làm việc kết nối với ban-công mặt tiền được chiếu sáng tự nhiên qua các song cửa lá sách kính và ‘mặt nạ lưới thép’ đan vằn vệt – mà theo lời của tác giả gọi là mang tính ‘thời đại thông tin bất định’.

Tầng lầu 3

     Phòng thờ nhỏ mở ra ban-công với vườn treo mở về hướng Nam. Phòng giặt ở phía sau mở ra sân phơi khá rộng với vườn rau và cầu thang xoắn dẫn lên sân thượng.

breeze.house-noi.that.tang.tret-hochanhkientruc.art
Hình 5:  BREEZE HOUSE – Không gian nội thất phòng khách tầng trệt và giếng trời, cầu thang – Kiến trúc sư MEL SCHENCK.

Tầng sân thượng

     Sân trước bố trí bể nước và dàn máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Sân sau là nơi tập thể dục hoặc hóng gió, ngắm cảnh về đêm. Một mảng kính cường lực khá lớn che mưa cho nóc cầu thang và lấy sáng tự nhiên xuống tận phòng khách và bếp ở tầng trệt của ngôi nhà.

breeze.house-san.thuong-hochanhkientruc.art
Hình 6:  BREEZE HOUSE – Mặt bằng sân thượng và Không gian vườn mái – Kiến trúc sư MEL SCHENCK.

GHI CHÚ :
◊  Nguồn:  linkedin Mel Schenck.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN :
◊  Mời xem:  Kiến trúc sư MEL SCHENCK.
◊  Mời xem:  Sử gia TIM DOLING.