Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km (toạ độ: 15°46′B – 108°07′Đ, gần Thành cổ Trà Kiệu), bao gồm nhiều đền đài, tháp Chăm Pa nằm trong một thung lũng rộng 142ha (đường kính khoảng 2 km) được bao quanh bởi đồi núi. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này – đặc biệt quan trọng – tại Việt Nam. Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO (năm 1999) chọn là một trong các di sản thế giới (tiêu chuẩn C) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới – là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.
Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng (vào thời đại vua Bhadravarman I trị vì từ 381-413) với chức năng hành lễ của các Vương triều Chămpa và là nơi chôn cất của các vị vua, thầy tu có nhiều quyền lực. Thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về mặt kiến trúc và về văn hóa. Ngôi đền đã từng bị hỏa hoạn thiêu hủy (vào thế kỷ thứ 6) và được vua Sambhuvarman (trị vì từ 577-629) xây dựng lại (di tích còn tồn tại đến ngày nay) rồi được tiếp tục mở rộng vào các triều đại sau đó; tổng số công trình kiến trúc lên đến hơn 70 hạng mục. Thánh địa Mỹ Sơn còn là Trung tâm Tôn giáo-Văn hóa của Nhà nước Chăm Pa (thủ đô ở Trà Kiệu, Đồng Dương).
Thánh địa Mỹ Sơn đã bị chìm vào quên lãng nhiều thế kỷ và được phát hiện vào năm 1885. Các nhà khoa học Pháp đã nêu lên 2 giai đoạn về Thánh địa Mỹ Sơn :
+ Giai đoạn 1898-1899: LOUIS FINOT, LAUNET DE LAJONQUERE nghiên cứu các văn bia;
+ Giai đoạn 1901-1902: HENRI PARMENTIER nghiên cứu về nghệ thuật; ông cùng OLRPEAUS khai quật khảo cổ học (năm 1904) và công bố tài liệu về Mỹ Sơn bao gồm các nhóm A, A’-N.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật F.S. TERN chia Di tích Chăm Mỹ Sơn thành 7 phong cách tiêu biểu Chăm – đặc biệt là phong cách Mỹ Sơn A1 là kiệt tác kiến trúc của di tích Chăm. (Hình 1) Các nhà khảo cổ học Pháp lại chia Di tích Mỹ Sơn ra làm 10 nhóm chính: A, A’, B, C, D, E, F, G, H, K để đặt tên cho mỗi công trình (ghép chữ cái & số). (Hình 2)
Các đền tháp, lăng mộ ở Mỹ Sơn có các kiểu dáng :
+ kiểu dáng cổ đại;
+ kiểu dáng Mỹ Sơn E1, F1 (thế kỷ thứ 8);
+ kiểu dáng Mỹ Sơn Hòa Lai A2, C7, F3 (cuối thế kỷ thứ 8 – đầu thế kỷ thứ 9);
+ kiểu dáng Mỹ Sơn Đồng Dương A10, A11-13, B4, B12 (cuối thế kỷ thứ 9 – đầu thế kỷ thứ 10);
+ kiểu Mỹ Sơn A1 và B5-6-7, B9, C1-2, C5, D1-2, D4 (thế kỷ thứ 10); (Hình 3)
+ kiểu chuyển tiếp Mỹ Sơn A1–Bình Định, Mỹ Sơn E4, F2, nhóm K (đầu thế kỷ thứ 9 – giữa thế kỷ thứ 12);
+ kiểu Bình Định, Mỹ Sơn B1, nhóm G, H (cuối thế kỷ thứ 11 – đầu thế kỷ thứ 14).
Bố cục của mỗi cụm tháp đều có một tháp chính (Kalan) ở giữa và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Kalan thường thờ sinh thực khí Linga, linh tượng Shiva. (Hình 4) Mặt trước của mỗi cụm tháp là Tháp cổng (Gopura), Tiền đình (Mandapa – nơi sắp xếp các lễ vật và múa hát nghi thức hành lễ). Bên cạnh là Kósa Grha – luôn quay về hướng Bắc (hướng của Thần tài Kuvera) – gồm có 1-2 phòng dùng để chứa các đồ tế nhuyễn và thức ăn cúng chư thần. Các tháp đều có hình chóp – biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Tháp Cổng thường quay về phía Đông để tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Tháp A1 có 2 cửa chính đối diện nhau, quay về 2 hướng Đông và Tây; các tháp phụ (từ A8-A12) tương đối lớn và được phân bố trên mặt bằng vuông vắn. Cụm tháp B (Kalan Mỹ Sơn B1) – đối diện với cụm tháp A – là cụm tháp trung tâm của Thánh địa Mỹ Sơn. Ngôi đền đá duy nhất, cao nhất ở Mỹ Sơn (thế kỷ thứ 4) được trùng tu lần cuối (năm 1234) nay đã bị sập (do bom Mỹ trong chiến tranh Việt Nam); hệ móng của nó cho thấy nó có thể cao trên 30m.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ linga-yonie (cụm tháp A, Kalan Mỹ Sơn A1) hoặc hình tượng thần Shiva (thần bảo hộ của các triều vua Chăm Pa). Những người Chăm Pa cổ xưa thường đi vòng quanh tháp theo chiều kim đồng hồ để cầu nguyện. 6 ngôi đền nhỏ khác (từ A2-A7) – đối xứng nhau và bao quanh – thờ các vị Thần phương hướng (trừ 2 hướng Đông, Tây) :
+ Thần sấm Indra (hướng Đông);
+ Thần lửa Agni (hướng Đông Nam);
+ Diêm vương Yama (hướng Nam);
+ Thần bầu trời Varuna (hướng Tây);
+ Thần Nirrti (hướng Tây Nam);
+ Thần gió Vayu (hướng Tây Bắc);
+ Thần Kuvera (hướng Bắc);
+ Thần toàn năng Isána (hướng Đông Bắc).
Biểu tượng của Phật giáo cũng được tìm thấy ở Mỹ Sơn (đạo Phật Đại Thừa Mahayana là tín ngưỡng chính của người Chăm vào thế kỷ thứ 10).
Các nhà khoa học người Pháp đã bắt tay đầu tiên vào việc bảo tồn Mỹ Sơn (từ năm 1937) :
+ Trùng tu Đền A1 (năm 1937-1938) và các Đền nhỏ xung quanh;
+ Trùng tu các Tháp B5, B4, C2, C3, D1, D2 (năm 1939-1943).
Nhiều tháp và lăng mộ (bao gồm tổ hợp A với tháp chính A1 cao 24m và 6 tháp phụ xung quanh đều bị hủy diệt trong Chiến tranh Việt Nam vào năm 1969). Phần lớn các đền đài trong các nhóm trung tâm (B, C, D) thì còn tồn tại (tuy đã có nhiều tượng, bệ thờ, linga đã bị lấy đem về Pháp trong thời kỳ thực dân hoặc gần đây được chuyển đến Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Ở Mỹ Sơn có một Viện bảo tàng được thiết lập trong 2 ngôi đền với sự trợ giúp của người Đức, người Ba Lan để trưng bày các mô hình lăng mộ và một số hiện vật còn lại; còn có một nhà trưng bày (rộng 1.000m² ở ngay lối dẫn vào khu di tích, do Nhật Bản tài trợ không hoàn lại) được tỉnh Quảng Nam khánh thành (ngày 24/3/2005) để giới thiệu di tích Mỹ Sơn.
Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam đã chi khoảng 7 tỷ VNĐ (440.000 USD, từ năm 2002-2004) để phục chế khẩn cấp Thánh địa Mỹ Sơn; dự án được UNESCO và sự hỗ trợ của Chính phủ Ý (với số tiền 800.000 USD) cùng World Monuments Fund (WMF) góp vốn.
MỜI XEM :
◊ Phát hiện THƯỚC CỔ huyền thoại ở Tháp cổ PÔ ĐAM.
BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc@gmail.com
10 /2022