.
Các dạng Nhà hành chính trong Xí nghiệp công nghiệp
Nhà hành chính (NHC) trong Xí nghiệp công nghiệp (XN) có các Dạng chủ yếu sau :
+ NHC với các Phòng làm việc nhỏ;
+ NHC với các Phòng làm việc lớn;
+ NHC với các Phòng làm việc theo nhóm;
+ NHC dạng kết hợp.
.
1) NHC với các Phòng làm việc nhỏ (Kiểu hành lang)
NHC kiểu hành lang được sử dụng trong thập kỷ 1950s tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Các Phòng làm việc nhỏ thường phù hợp với số lượng không quá 6 người làm việc – nhất là loại công việc tập trung với mức độ trao đổi thông tin có giới hạn thì rất phù hợp với loại này.
Các Phòng làm việc nhỏ được bố trí dọc theo Hành lang (Hành lang giữa hoặc Hành lang bên). NHC kiểu hành lang có các nhược điểm như:
+ Diện tích hẹp khiến khó bố trí linh hoạt;
+ Vị trí của các khôn gian làm việc bị dàn xếp đều đặn theo dãy khiến gây cảm giác nhàm chán và căng thẳng;
+ Thiếu sự giao tiếp giữa các Phòng làm việc;
+ Lãnh đạo khó kiểm soát sự hoạt động của nhân viên, …
.
(các trường hợp: 1,2,3: song hành; 4,5,6,9,10,12: hành lang giữa; 8: hành lang bên; 11: kết hợp hành lang giữa và bên)
.
(các trường hợp: 13,14,15,16,21: hành lang giữa; 17,18,19,20: hành lang giữa song đôi)
.
2) NHC với các Phòng làm việc lớn
NHC loại này xuất hiện vào thập kỷ 1960s và được hình thành do Nhu cầu về trao đổi Thông tin, nhu cầu sử dụng linh hoạt trong quá trình làm việc và giao tiếp.
NHC loại này có các Đặc trưng tiêu biểu như :
+ Khối không gian ‘hạt nhân’ nằm ở giữa và được vây xung quanh bởi các Khu chức năng giao thông, Hạ tầng kỹ thuật, Bộ phận phụ trợ, ….;
+ Không gian ‘hạt nhân’ được phân chia bởi các Vách ngăn linh hoạt, có thể tuỳ biến theo Sự thay đổi về nhân sự, thời gian làm việc, …;
+ Lãnh đạo có thể dễ dàng kiểm soát Nhân viên;
+ Tạo ra được một Môi trường văn hoá chung cho toàn bộ đơn vị.
.
.
Tuy nhiên! Có một số bất lợi khác như :
+ Bị tác động ảnh hưởng đồng loạt, trò chuyện, máy móc ồn, …;
+ Nhân viên có cảm giác bị quan sát, bị kiểm tra;
+ Đòi hỏi bắt buộc về điều hoà không khí, ánh sáng nhân tạo;
+ Khó yên tĩnh, thiếu tập trung… cho từng cá nhân.
.
.
NHC kiểu Phòng làm việc lớn có các nhiều dạng, song tất cả đều phụ thuộc vào vị trí của Cụm cầu thang và Bộ phận phụ trợ :
+ Cụm cầu thang và Bộ phận phụ trợ nằm ở giữa: Giải pháp này thường phù hợp với loại Công trình cao tầng, thuận tiện cho việc tạo thành Lõi cứng của Hệ khung kết cấu;
+ Cụm cầu thang và Bộ phận phụ trợ nằm ở một phía của Toà nhà;
+ Cụm cầu thang và Bộ phận phụ trợ tách khỏi Không gian văn phòng: Giải pháp này giúp tạo thuận lợi cho việc hình thành các Không gian sử dụng linh hoạt một cách tối đa.
.
Hai dạng NHC nói trên (NHC kiểu hành lang & NHC không gian lớn) được xếp vào Loại văn phòng kiểu truyền thống.
Hệ thống lưới cột có thể linh hoạt: 6m; 7,2m; 8,4m; 9,6m; 10,8m; 12m.
Diện tích các Phòng làm việc lớn có thể từ 500 – 1000m2 với 200 người làm việc. Khoảng cách giữa 2 Tường ngăn cố định không nên nhỏ hơn 20m; và để có ánh sáng tự nhiên cũng như để có cảm giác liên hệ tốt với Không gian bên ngoài, Chiều sâu của Văn phòng không nên lớn hơn 15m.
Tiêu chuẩn diện tích thiết kế cho Phòng làm việc có Không gian lớn: 7 – 9m2 /người; Tiêu chuẩn diện tích chung cho toàn bộ NHC: 26m2 /người.
.
3) NHC với các Phòng kết hợp lớn nhỏ (Reviburo)
NHC kết hợp các Phòng làm việc lớn-nhỏ xuất hiện vào thập kỷ 1970s và thực chất là sự kết hợp linh hoạt giữa 2 Dạng NHC nói trên :
+ Không gian lớn bố trí cho các Nhóm làm việc mà nhu câu cần có sự hỗ trợ lẫn nhau;
+ Các Phòng nhỏ bố trí các bộ phận làm việc tương đối độc lập.
Trong NHC kết hợp này, các điều kiện Vi khí hậu, Chiếu sáng tự nhiên, Chiếu sáng nhân tạo, Trang trí nội thất, … có thể được tổ chức linh hoạt theo từng phòng hoặc nhóm phòng với các các yêu cầu riêng biệt của từng cá nhân hoặc nhóm người.
Tiêu chuẩn diện tích thiết kế cho NHC kết hợp: 7 – 9m2 /người; Tiêu chuẩn diện tích chung cho toàn bộ NHC kết hợp: 23m2 /người (kể cả Không gian dành cho Hoạt động cộng cộng và giao tiếp: 5 -10m2 /người).
.
.
Về cơ bản, NHC kết hợp có 2 loai Không gian làm việc :
+ Không gian của các Phòng làm việc nhỏ;
+ Không gian lớn dành cho các Hoạt động công cộng.
Các Không gian Phòng làm việc nhỏ được bố trí dọc theo Chu vi của toà nhà. Phòng làm việc nhỏ có
an Phòng làm việc nhỏ bố trí dọc theo Chu vi của Toà nhà. Phòng làm việc nhỏ có 2 vách kính :
+ Một vách kính là Mặt ngoài nhà;
+ Một vách kính nhìn vào Không gian hoạt động công cộng.
.
4) NHC với các Không gian dành cho Hoạt động giao tiếp (Kombiburo)
Dạng NHC loại này xuất hiện vào thập kỷ 1990s và là Thành quả của Công nghệ thông tin – qua đó mà các Hoạt động văn phòng đã cơ bản được chuyển từ Hoạt động xử lý văn bản giấy tờ trên bàn sang Hoạt động xử lý thông tin trên máy tính. Các quy trình công đoạn hoạt động của Văn phòng sẽ không nhất thiết phải tổ chức trong một Không gian lớn với nhiều người, mà chỉ cần một Không gian nhỏ – cho một người hoặc một số ít người – được bố trí trên một Bàn làm việc (hình chữ L, chữ U) với một phần để tiếp khách, một phần để bố trí Máy tính và một Ghế xoay phù hợp với cả hai hoạt động nêu trên. Thông tin trên Máy tính sau khi được xử lý sẽ được chuyển qua Mạng máy tính đến Người có trách nhiệm phê duyệt. Các thiết bị in, scan, photocopy, màn hình lớn, … đã xuất hiện để thay thế cho các Tủ đựng hồ sơ giấy tờ có kích thước lớn.
.
(Đơn vị kích thước là Mét)
NHC loại này về cơ bản có 2 loại Không gian :
+ Không gian nhỏ dành cho một người làm việc: 9 – 12m2;
+ Không gian lớn để bố trí các máy móc sử dụng chung (máy in, scan, photocopy, …) và Nơi tiếp khách, uống cà phê, …
.
.
.
Vị trí bố trí NHC trong XN
Các khả năng bố trí NHC trong XN có thể có 4 trường hợp như sau :
a) Bố trí tách biệt khỏi Nhà sản xuất (NSX) và tạo thành một Công trình biệt lập tại Không gian phía trước của XN (nhất Là đối với XN có quy mô lớn và có tác động bất lợi cho Hoạt động văn phòng).
b) Bố trí liền kề với NSX hoặc kết nối bằng Hành lang, Cầu lang. Giải pháp này thường được áp dụng cho XN có quy mô vừa, nhỏ và có yêu cầu quản lý điều hành trực tiếp với sản xuất.
c) Toàn phần NHC (hay một phần) là một phần Không gian của NSX.
.
NHC trong XN phải đảm bảo được :
+ Môi trường làm việc tốt, yên tĩnh, an toàn, không bị ảnh hưởng bởi bụi và ô nhiễm không khí;
+ Giao thông đi lại thuận tiện cho Công nhân viên và Khách giao dịch.
NHC trong XN cần có Diện tích sử dụng chính tối thiểu phải đạt 60% Diện tích sàn sử dụng chung.
.
Các Bộ phận chức năng trong NHC
Về cơ bản, NHC gồm có các Bộ phận chức năng sau :
+ Bộ phận làm việc;
+ Bộ phận công cộng và kỹ thuật;
+ Bộ phận phụ trợ và phục vụ.
.
a) Bộ phận làm việc
Bộ phận làm việc bao gồm :
+ Phòng làm việc của Nhân viên nghiệp vụ và kỹ thuật (Phòng tài vụ, Văn thư, …); Tiêu chuẩn diện tích: 4 – 7m2/chỗ làm việc (tính cho Phòng làm việc có 2 người trở lên);
+ Phòng làm việc cho Cán bộ chuyên môn (Phòng kiểm tra, giám sát; Phòng nghiên cứu phát triển; Phòng máy tính, …); Tiêu chuẩn diện tích: 4 – 7m2/chỗ làm việc; đối với Phòng máy tính: 9 – 12m2/chỗ đặt máy;
+ Phòng làm việc của Lãnh đạo; Tiêu chuẩn diện tích: 12m2/chỗ (Trưởng Phòng ban); 24 – 28m2 (Phó giám đốc – bao gồm Chỗ làm việc và Tiếp khách); 34 – 38m2 (Giám đốc – bao gồm Chỗ làm việc và Tiếp khách).
.
b) Bộ phận công cộng và kỹ thuật
Bộ phận công cộng và kỹ thuật bao gồm :
+ Phòng khách: Tiêu chuẩn diện tích: 18 – 48m2;
+ Phòng họp: Tiêu chuẩn diện tích: 0,8 – 1,5m2/chỗ (bên cạnh có thể có 1 ~ 2 Phòng họp phụ);
+ Hội trường: Tiêu chuẩn (tuỳ theo quy mô của XN): 0,8m2/chỗ (không kể Sân khấu với Chiều sâu không nhỏ hơn 5m; và các phòng cho Chủ tịch đoàn, Phòng chuẩn bị, …). Hội trường trong XN thường là loại đa năng (họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, …).
Khu Vệ sinh riêng của Hội trường: Tiêu chuẩn: 150 nam /1xí, 2 tiểu; 120 nữ /2 xí, 1 tiểu.
+ Phòng In ấn, phô tô;
+ Phòng Thư viện, lưu trữ;
+ Phòng Thông tin, Trưng bày, Quảng bá sản phẩm;
+ Phòng Thí nghiệm.
.
c) Bộ phận phụ trợ và phục vụ
Bộ phận phụ trợ và phục vụ bao gồm :
+ Sảnh chính: Tiêu chuẩn diện tích: 18m2;
+ Sảnh phụ (NHC dài hơn 100m hoặc có hình dáng phức tạp): Tiêu chuẩn diện tích: 12 – 18m2;
+ Phòng bảo vệ: Tiêu chuẩn diện tích: 6 – 8m2 (chưa kể Phòng ngủ nhỏ đáp ứng được Yêu cầu trực đêm: 9 – 12m2).
+ Phòng đợi và gửi mũ áo của Khách (tại Sảnh): Tiêu chuẩn diện tích: 9 – 12m2;
+ Khu vệ sinh (bán kính phục vụ không quá 45m): Tiêu chuẩn diện tích: 40 nam /1xí, 1 tiểu; 30 nữ /2 xí, 1 tiểu.
+ Phòng Y tế (gồm Phòng Cán bộ y tế, Phòng khám): Tiêu chuẩn diện tích: 6m2/1bác sỹ, 4m2/1 hộ lý 4 – 6m2/chỗ khám; 4 – 6m2 /chỗ tiêm, phát thuốc;
+ Phòng Câu lạc bộ (đa chức năng): Tiêu chuẩn diện tích: 0,2m2/người (khi số Công nhân viên nhỏ hơn 200 người); 0,1m2 cho mỗi người tiếp theo (khi số Công nhân viên nhỏ hơn 200 người); Lưu ý: Diện tích tối thiểu: 24m2;
+ Căng tin, giải khát: Tiêu chuẩn diện tích: 0,8m2/chỗ (Số chỗ được tính 10 -15% Số lao động tại Ca đông nhất). Lưu ý: Diện tích tối thiểu: 24m2 (bao gồm Quầy, Chỗ phục vụ, Kho);
+ Kho;
+ Phòng Xử lý giấy loại bỏ, …
Hình thức kiến trúc của NHC
Về cơ bản, NHC trong XN có Hình thức kiến trúc đơn giản, ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, phù hợp với việc giảm thời gian xây dựng và hoà hợp với Kiểu thức kiến trúc của các Công trình Nhà xưởng trong toàn cục của Xí nghiệp.
NHC được thiết kế với Hình dáng động, mở và có thể góp phần làm phong phú cho Cảnh quan kiến trúc của XN.
.
.
Thiết kế Mặt cắt NHC
a) Lựa chọn Hệ kết cấu chính
NHC trong XN thường cao đến 5 tầng và sử dụng :
+ Khung chịu lực dạng BTCT toàn khối,
+ hoặc BTCT lắp ghép,
+ hoặc Khung thép.
.
b) Xác định Chiều cao tầng
Chiều cao của Phòng làm việc phụ thuộc chủ yếu vào các Trang thiết bị kỹ thuật của toà nhà – đặc biệt là Hệ thống điều hoà không khí và Hệ thống mạng thông tin :
.
+ Nhà không có trần: Chiều cao tầng vào khoảng 3,3m (Chiều cao thông thuỷ sẽ là 2,7 – 2,8m);
+ Nhà có trần: thuận tiện cho việc bố trí các Thiết bị chiếu sáng đặt âm trong trần, hay các Hệ thống thông tin. Chiều cao tầng: 3,6m (Chiều cao thông thuỷ: 3m). Để thuận tiện cho việc bố trí Hệ thống điều hoà không khí tập trung, Chiều cao tầng phải đạt 4,2m (tối thiểu 3,9m) mới có thể bố trí được Hệ thống điều hoà không khí tập trung và Sàn kép nhằm bố trí Hệ thống đường cáp thông tin.
.
.
c) Tổ chức Hướng nhìn
Tổ chức Hướng nhìn của Người lao động nhằm tạo ra Cảm giác thân thiện về Mối liên hệ xung quanh; Cảm giác ấy đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đối với NHC gắn liền với Không gian sản xuất, Hướng nhìn quan trọng là hướng quan sát Không gian làm việc trong Xưởng và Hướng quan sát ra Không gian bên ngoài.
.
.
d) Lựa chọn Kết cấu bao che
Trong NHC, nhu cầu về Năng lượng cho việc Chiếu sáng (40%) và Điều hoà không khí (42%) chiếm Tỷ trọng chính; các Nhu cầu năng lượng cho Hệ thống Thang máy: 6%; Nhu cầu năng lượng cho các công việc khác (đun nấu, làm sạch, …): 12%.
Vì vậy, việc lựa chọn Giải pháp Kết cấu bao che sao cho hợp lý – nhằm tận dụng năng lượng Chiếu sáng tự nhiên và hạn chế được Bức xạ nhiệt truyền vào NHC – sẽ có tác dụng khá quan trọng nhằm giúp giảm đáng kể Chi phí năng lượng chung của Toà nhà.
.
.
Tình trạng & Xu hướng mới của các dạng NHC
Những Xu hướng mới
Nơi làm việc theo Dạng gắn liền với địa điểm có xu hướng giảm xuống rõ rệt; những Dạng NHC với các Phòng làm việc nhỏ và NHC với các Phòng làm việc lớn đang có xu hướng ngày càng thu hẹp phạm vi sử dụng.
Việc phổ biến Phương pháp làm việc mới không hẳn xoá bỏ Dạng Văn phòng truyền thống (luôn gắn với địa điểm), nhưng các Dạng Văn phòng mới – văn phòng làm việc qua Mạng internet – Văn phòng ảo đã dần dần xuất hiện khá nhiều.
Người ta cho rằng: một Văn phòng của tương lai là dạng Văn phòng đáp ứng được Nhu cầu riêng lẻ của từng Hãng, từng Cá nhân và có năng lực sử dụng linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu thay đổi liên tục theo thời gian.
.
Tỷ lệ quy mô của các loại Văn phòng
Tỷ lệ quy mô của các loại Văn phòng theo các số liệu hiện nay được tổng hợp như sau :
+ 5 – 10% Số người làm việc trong Loại văn phòng 1 người;
+ 10 – 15% Số người làm việc trong Loại văn phòng 2 người;
+ 75 – 80% Số người làm việc trong Loại văn phòng nhiều nguời.
+ Số lượng dạng Văn phòng làm việc cố định giảm từ 85,25% xuống còn 67,0%;
+ Số lượng dạng Văn phòng làm việc cố định và có sử dụng Văn phòng đa dạng tăng từ 11,25% lên 21,2%;
+ Văn phòng ảo tăng từ 3,5% lên 11,8%.
.
(Grossrauburo: Nhà văn phòng với các Phòng làm việc lớn; Standard-Zellenburo: Nhà văn phòng với các Phòng làm việc nhỏ điển hình; Einzelpersonnen – Zellenburo: Nhà văn phòng với các Phòng nhỏ cho từng cá nhân hay nhóm người; Nhà văn phòng kiểu hành lang; Gruppenburo: Nhà văn phòng với các Nhóm phòng; Kombiburo: Nhà văn phòng có các Phòng nhỏ, Phòng lớn dành cho các Hoạt động giao tiếp; Reviburo: Nhà văn phòng sử dụng linh hoạt; Business club: dạng Câu lạc bộ văn phòng).
(
Một số Tiêu chuẩn thiết kế NHC
+ Tiêu chuẩn diện tích: 8 – 10m2/chỗ làm việc;
+ Tiêu chuẩn diện tích toàn nhà: 22 m2/người.
+ Chiều rộng của Hành lang bên: tối thiểu 1,8m;
+ Chiều rộng của Hành lang giữa: 2,4m;
+ Hành lang phía trước các Cầu thang cần được mở rộng để tạo thành các Sảnh tầng;
+ Kích thước rộng (Chiều ngang) của NHC sẽ là Chiều sâu của Phòng làm việc (6 – 12m) + Hành lang bên (tối thiểu 1,8m) = 7,8 – 15m (Hành lang bên có thể để mở thoáng hoặc che kín bằng kính).
.
GHI CHÚ :
◊ Nguồn: TS. PHẠN ĐÌNH TUYỂN, Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc@gmail.com
12/2023