Các Đơn vị đo kích thước cổ xưa trước khi Mét ra đời
Trước khi Hệ Mét1 ra đời, các quốc gia đều dựa theo chuẩn đơn vị đo xuất phát từ bộ phận cơ thể của con người. Cho nên có thể gọi đơn vị đo kích thước trước Mét là đơn vị đo nhân tính (Hình 1). Có thể nêu ra ở đây một số ví dụ điển hình từ ‘Trời Tây’, ‘Trời Đông’ và Việt Nam cổ xưa như sau :
Đơn vị đo Sagien của dân tộc Slave cổ
Trong thời kỳ chưa có kỹ thuật đồ họa để thực hiện những bản vẽ thiết kế công trình trước khi xây dựng, cũng như chưa có đầy đủ phương tiện đo đạc để xác định kích thước, hình dáng của công trình khi xây dựng, người Slave2 ở nước Nga cổ đã có một phương pháp khá đơn giản song không kém phần độc đáo – đó là phương pháp đo kích thước với một sợi dây mang tên Ugisiê và thủ pháp sử dụng hình vuông được gọi là Hình vuông định vị (Hình 2) để xác định kích thước, vị trí, hình dáng và cả chiều cao của công trình. Và, Hình vuông định vị – có cạnh là dây Ugisiê – sẽ bằng chiều dài một sải tay của một người (mà không rõ cụ thể là người nào và cũng có thể là một người bất kỳ!?) dài khoảng 1,52 ~ 1,764m mà người Slave gọi nó là đơn vị đo “Sagien nhỏ” (1,52 ~ 1,764m), và “Sagien lớn” (2,16 ~ 2,495m) – là độ dài đường chéo của Hình vuông định vị Ugisiê nói trên. Thế là! người Slave cổ đã có hai dây thước đo đơn giản và thần diệu mà họ đã sử dụng để xác định tất cả kích thước của mọi bộ phận công trình khi xây dựng. Người Slave đã tạo ra phương pháp đo bằng dây Ugisiê với nguyên tắc lập lại bội số và ước số của nó. Việc đó sẽ được thực hiện ngay tại hiện trường mà không có bản vẽ thiết kế kích thước cụ thể trước. Và để xác định những kích thước nhỏ, hai dây thước “Sagien nhỏ” và “Sagien lớn” lần lượt được gập đôi để xác định kích thước của những bộ phận nhỏ (như bề dầy tường, kích thước ô cửa, …) và cứ tiếp tục gập đôi như thế để đo các bộ phận nhỏ hơn nữa. Đối với các bộ phận có kích thước lớn như chiều rộng, chiều dài, chiều cao của nhà, người Slave đo lập lại nhiều lần theo bội số của hai dây “Sagien nhỏ”, “Sagien lớn” và theo nguyên tắc “3~4 Sagien” áp dụng cho Nhà ở, “7~8 Sagien” áp dụng cho Nhà thờ (hay công trình công cộng nói chung). (Hình 2)
Đơn vị đo Tatami của người Nhật cổ xưa
Người Nhật Bản cổ xưa đã lấy kích thước của một diện tích đủ để hai người ngồi uống trà một cách thân mật theo truyền thống dân tộc để làm đơn vị đo cho tất cả các kích thước phòng ốc; họ gọi đơn vị đo đó là chiếu “Tatami”(Hình 3). Người Nhật sử dụng các tấm chiếu “Tatami” xếp trọn theo bội số – có thể ghép chúng theo dạng dọc hay ngang – để xác định các kích thước của căn phòng, chiều cao của cửa, trần nhà, v.v…
Đơn vị đo Thước Tầm của người Việt cổ xưa
Trong truyền thống nghề xây dựng cổ xưa của người Việt, trong một phường thợ luôn có một người “lão làng trong nghề” được gọi là thợ cả. Theo các câu chuyện lưu truyền dân gian, thông thường người thợ cả khá lớn tuổi cho nên khi ra hiện trường xây dựng thì chỉ đứng chống nạnh với hai tay ngang hông và quan sát, kiểm tra, đôn đốc các nhóm thợ. Thế là! cái dáng đứng quen thuộc ấy của người thợ cả đã trở thành một “hình tượng cây thước đo” của việc đo đạc các kích thước công trình (Hình 5). Người thợ cả đã lấy kích thước của ba bộ phận trên cơ thể của chính mình – theo dáng đứng như nói trên – để làm đơn vị đo cho ba chiều hướng kích thước của tất cả các bộ phận trong ngôi nhà – theo nguyên tắc cụ thể như sau :
a) Khoảng ngang: là đơn vị đo bằng chiều dài của cẳng tay (41,6cm) và được dùng để đo tất cả các kích thước theo phương nằm ngang của ngôi nhà;
b) Khoảng đứng: là đơn vị đo bằng chiều dài của khuỷu tay (26,6cm) và được dùng để đo tất cả các kích thước theo phương thẳng đứng của ngôi nhà;
c) Khoảng chảy: là đơn vị đo bằng chiều dài của thân bụng người (48cm) và được dùng để đo tất cả các kích thước theo phương xiên bất kỳ của ngôi nhà.
Trên cơ sở nguyên tắc đo như trên, người thợ cả đã thực hiện một cây thước có khắc ghi những số đo sẽ sử dụng cho việc xác định kích thước trong ba chiều không gian của ngôi nhà và cây thước đã mang tên là “Thước tầm”. Sau khi sử dụng xong, Thước tầm được đính lên cây đòn dông – cây đòn tay cao nhất trên nóc nhà hoặc bản thân Thước tầm là cây đòn dông – để rồi về sau sẽ có ngay khi có dịp cần dùng đến để xác định kích thước các bộ phận của ngôi nhà khi cần sửa chữa.
Đặc điểm độc đáo của Thước tầm – đó là tất cả các kích thước của công trình đều được tuân theo một nguyên tắc tỷ lệ hóa rõ ràng, có hệ thống và tương quan tỷ lệ (tỷ lệ xích) với tầm thước của con người – mà có thể đó là người thợ cả hoặc chủ nhà. (Hình 6)
CHÚ THÍCH :
1: Hệ Mét: Đơn vị đo quốc tế được Hội nghị Đo lường năm 1790 ban hành. Mẫu thước Mét bằng bạch kim vẫn còn được lưu trữ tại Viện Bảo tàng Đo lường Thụy Sĩ hiện nay.
MỜI XEM: Sự ra đời của Hệ Mét.
2: KIẾN CẬN, bút danh của ThS. KTS. NGUYỄN HỮU TRÍ, là Giảng viên chính Trường Đại học Kiến Trúc TPHCM (2002-2010), là nguyên Trưởng Khoa Khoa Kiến Trúc Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (2008-2016).
3: Người Slave gồm có Đông Slave (Đại Nga, Ucraina, Bielorusia), Tây Slave (Ba Lan, Séc, Slovakia), Nam Slave (Slovenia, Bulgary, Crotia, Bosnia, Serbia, Macedonia).
GHI CHÚ :
◊ Nguồn: Đơn vị đo Kích thước Kiến trúc /Kiến trúc Nhập môn của ThS. KTS. NGUYỄN HỮU TRÍ, NXB Giao thông Vận tải, TP.HCM, 1993.
◊ MỜI XEM: Các HỆ ĐƠN VỊ ĐO kích thước Việt Nam cổ xưa – Phần 2.
BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc.art
10 /2022