ban.do-saigon-1799-le.brun-hochanhkientruc.art
Hình 1:  BẢN ĐỒ SÀI GÒN do Le Brun vẽ vào năm 1799 theo lệnh của chúa Nguyễn Ánh (Nguồn BNF – được việt hoá bởi BBT hochanhkientruc.art)

     NGUYỄN ÁNH (về sau lên ngôi vua Gia Long, năm 1802) đã cho mở rộng (năm 1790) dinh Phiên Trấn (trấn Phiên An, năm 1698) ở lân (xóm) Tân Khai, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, phủ Tân Bình với yêu cầu phải hoàn thành việc xây thành Bát Quái (thành Quy) trong 10 ngày.

     Bình Tây đại tướng Quận công TÔN THẤT HỘI đã chỉ huy 30.000 người để xây dựng Thành Bát Quái nhằm chống quân Tây Sơn và củng cố vùng đất Gia Định mà NGUYỄN ÁNH vừa đánh chiếm được.

Hình 1:  BẢN ĐỒ SÀI GÒN do Le Brun vẽ vào năm 1799 theo lệnh của chúa Nguyễn Ánh (Nguồn BNF – được việt hoá bởi BBT hochanhkientruc.art)


      … Thành Bát Quái có 3 lớp bảo vệ :

+  Lớp tường thành trong cùng được xây bằng đá ong Biên Hoà (song thực chất chủ yếu là đất đắp trộn rôm, phên) cao 13 thước (1 thước mộc = 0,425 m) – tức khoảng 5,5m; chân tường dầy 7 trượng 5 thước (tức 75 thước mộc # 31,9 m);
+  Lớp ở giữa là hào rộng 15 trượng 5 thước (tức 155 thước # 65,9 m), sâu 14 thước (khoảng 5,9 m);
+  Lớp tường thành ngoài cùng được gọi là “Luỹ bằng đất(Luỹ Bán Bích) với chu vi 794 trượng (khoảng 3,38 km).

(theo NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU, Địa lý lịch sử TPHCM in trong Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, NXB.TPHCM, 1987)

thanh.gia.dinh-thanh.phung-hochanhkientruc.art
Hình 2:  THÀNH GIA ĐỊNH (thành Phụng) đời Minh Mạng 1837 (Nguồn: Sài Gòn xưa – VH. Sển)

     Thành Bát Quái được xây dựng theo kiểu thành cổ Châu Âu – kiểu Vauban (dạng đa giác với nhiều nhánh nan hoa), có 8 cửa – ứng với 8 quẻ (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) – với tường thành được xây bằng đá ong Biên Hoà; các cửa mở ra 8 hướng :

+  phía Bắc mở ra đường Thiên Lý đi Huế (Quốc lộ 1 ngày nay);
+  phía Đông Bắc mở ra sông Bình Trị (rạch Thị Nghè ngày nay);
+  phía Tây Bắc mở lối đi về Tân Định, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Hoà xã (Bình Dương ngày nay);
+ phía Tây mở ra lối đến Trường súng, Tân Sơn Hoà và kết nối với đường Thiên Lý đi Nam Vang, Campuchia;
+  phía Tây Nam mở lối đi Hoà Hưng, Luỹ Bán Bích;
+  phía Nam mở lối đi Tân Kiệm, Tân Kiểng, Chợ Lớn, Chùa Cây Mai;
+  phía Đông Nam mở ra sông Bình Dương (rạch Bến Nghé ngày nay), Khánh Hội;
+  phía Đông mở ra sông Bến Nghé (sông Sài Gòn ngày nay), Thủ Thiêm, Anh Khánh.

Hình 3:  Tổng mặt bằng THÀNH BÁT QUÁI (thành Quy, 1790). Thành Gia Định (thành Phụng, 1837) nằm ở góc Đông Bắc của thành Quy.


     

     Sau khi dẹp tan cuộc nổi loạn của LÊ VĂN KHÔI, Vua MINH MẠNG đã cho phá tan thành Quy (năm 1835) và xây thành Phụng (năm 1837).

     Thành Phụng được xây ở phía Đông Bắc của thành Quy và có qui mô nhỏ hơn thành cũ nhiều; tường thành Phụng dài 475 m, cao 20 m và được làm bằng hỗn hợp đá hoa cương, gạch và đất. Xung quanh thành Phụng có hào nước bao bọc. (Hình 4)

thanh.gia.dinh-thanh.phung-1859-hochanhkientruc.art
Hình 4:  THÀNH GIA ĐỊNH (thành Phụng) năm 1859 (Nguồn: Đại Nam Nhất Thống Chí, EFEO)

     Liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã tấn công (ngày 7/2/1859) chiếm thành rồi đốt cháy các kho tàng, phá hủy phần lớn cổ thành rồi rút đi để tránh sự phản công của quân chúa Nguyễn Ánh.

thanh.bat.quai-1859-hochanhkientruc.art
Hình 5:  Cổng thành Gia Định (thành Phụng) 1859 – Liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Sài Gòn rạng sáng ngày 17/2/1859 (nhằm ngày rằm tháng giêng, Kỷ Mùi) – Tranh khắc được hoạ sĩ Wornis vẽ theo Phác thảo của M.L. Roux – trợ lý của tướng Rigaut de Genouilly (Nguồn: Illustration ngày 23/4/1859)

     Về sau (năm 1869), doanh trại của Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ (Régiment de marche de Cochinchine) (dân chúng thường gọi là trại Săng-đa – đọc trại từ chữ soldat) đã được xây dựng tại đây và bằng nhiều vật liệu gạch, sắt được phá dỡ từ thành Gia Định cũ; tiếp sau đó (năm 1890), Trung đoàn bộ binh hải quân (Régiments d’Infanterie de Marine) được phân thành các đơn vị mang số 9, 10, 11 (11ème Régiment d’Infanterie de Marine – 11ème RIM; dân chúng lại thường gọi là Trại Ông-dèm hay thành Ông-dèm – đọc trại từ chữ onzième).

trai.ong.dem-trung.doan.bo.binh.hai.quan.phap-thanh.gia.dinh-thanh.phung-thanh.cong.hoa-hochanhkientruc.art
Hình 5:  Doanh trại Trung đoàn Bộ binh hải quân Pháp (Trại Ông-Dem, 1890) – Bưu ảnh năm 1916.

     Và sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương (năm 1954), thành Gia Định được đổi tên là thành Cộng Hoà (khu vực Sân Hoa Lưu, Đài truyền hình TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn ngày nay).

giao.lo-le.duan-dinh.tien.hoang-dai.hoc.khoa.hoc.xa.hoi.nhan.van-thanh.cong.hoa-thanh.gia.dinh-thanh.phung-trai.ong.dem-hochanhkientruc.art
Hình 6:  Giao lộ đường Lê Duẩn-Đinh Tiên Hoàng – Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM – (thành Cộng Hoà 1960s, thành Gia Định 1837).

MỜI XEM :
◊  Thành cổ phong cách VAUBAN.

BAN BIÊN TẬP
9 /2023
hochanhkientruc@gmail.com