Truy nguồn Vị trí Khu đất xây dựng Trường Cao đẳng Kiến Trúc Sài Gòn
Trường Cao đẳng Kiến Trúc Sài Gòn (ĐHKT.SG về sau) được chuyển (năm 1950) từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đà Lạt1 (năm 1944) vào Sài Gòn và hoạt động tại vị trí như hiện nay (số 196 đường Pasteur2, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM).
Qua Bức tranh Toàn cảnh Sài Gòn do GASTON PUSCH3 vẽ vào năm 1898 (Hình 1), Khu đất mà sau này Trường ĐHKT.SG được chuyển từ Đà Lạt vào (năm 1950) vẫn còn là một khu đất trống. Và trên Bản đồ Sài Gòn năm 1948 (Hình 2) vẫn còn cho thấy rõ lô đất nằm ở góc đường Pellerin4 (đường Pasteur ngày nay) và đường Richaud 5 (đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) khi ấy vẫn còn là một lô đất trống!
Trường ĐHKT.SG (nay là Trường Đại học Kiến Trúc TPHCM) nằm trên lô đất tiếp giáp bởi hai con đường – phía Tây là Rue Pellerin4 (đường số 24 6, 1863; đường Pellerin, 1865; đường Pasteur, 1878 và nay) và phía Bắc là Rue des Mois (đường Richaud 5, 1897; đường Phan Đình Phùng7, 1963; đường Nguyễn Đình Chiểu 8, 1975). Trên Bản đồ Sài Gòn năm 1790 (Hình 3), lô đất này có thể là rìa đất nằm cạnh bờ hào ở mũi góc nơi áp sát cạnh phía Tây Bắc của Thành Bát Quái 9 (Thành Quy – Hình 3) – ở gần lối ra vào của Cửa Võng Khuyết (cửa Tây Bắc) của Thành Bát Quái xưa.
Quang cảnh lân cận Khu đất xây dựng Trường Đại học Kiến Trúc Sài Gòn
Trường Tiểu học Trần Quý Cáp (Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo năm 1985 đến nay) có thể đã nằm trên lòng hào xưa (góc Tây Bắc) của Thành Quy. Tháp Hồ Con Rùa10 (ngày nay) có thể đã nằm trên một nhánh nan hoa (kiểu thành cổ Vauban11) ở ngay trên trục lối ra vào của Cửa Võng Khuyết – Thành Quy.
Ở kế bên – phía sau (đường Nguyễn Đình Chiểu) của Trường ĐHKT là Trường Đại học Luật khoa12 (Trường Đại học Kinh Tế ngày nay) mà khi xưa là Nhà Trẻ (École Maternelle13 – Hình 6);
Và kế bên – ở phía trước (đường Pasteur) của Trường ĐHKT là Phòng Đọc sách Thiếu niên Trung tâm14 (Hình 7); và đối diện Trường ĐHKT (bên kia đường Pasteur) là Hoa viên Vạn Xuân15 (Hình 8) (nay không còn – Nhà Thi đấu TDTT Phan Đình Phùng16 (Hình 9) về sau cũng cùng chung số phận!); Hoa viên này nằm ngay trên góc hào Tây Bắc của Thành Quy.
Như vậy, Vị trí của Trường Đại học Kiến Trúc Sài Gòn (được hình thành vào năm 1950) là tại một nơi rất gần với Cửa Võng Khuyết phía Tây Bắc của Thành Bát Quái (Thành Quy) xưa. Rất tiếc! Các di tích của Thành Quy cổ của Sài Gòn xưa cho đến hiện nay không còn thấy sót lại dấu vết gì! hoặc vẫn còn nằm ẩn trong lòng sâu của các tầng đất mà chưa được khảo sát hay khai quật một cách đầy đủ!?
CHÚ GIẢI :
1: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đà Lạt trực thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine /CDMTDD) hoạt động từ ngày 27/10/1924 với Điêu khắc gia ÉVARISTE JONCHÈRE làm Hiệu Trưởng. Về sau, CDMTDD Hà Nội đã được tổ chức lại và lấy tên là Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật thực hành Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine, CDMTNTDD, theo Nghị định ngày 24/5/1938 của Toàn quyền Đông Dương). CDMTNTDD có 02 Ban chính: Ban Hội họa, điêu khắc, sơn mài (Section de peinture, sculpture et laque) và Ban Kiến trúc; 02 Ban đều thuộc ngành Giáo dục đại học (l’Enseignement supérieur); và 03 Ban phụ thuộc về nghệ thuật thực hành: Ban Trần triết (bậc 2), Ban Kim hoàn và Chạm trổ (bậc 1, nghề thủ công), Ban Gốm (bậc 1); và cuối cùng là 01 Lớp bổ túc (Cours complémentaire) về Hội họa, Nghệ thuật trang trí. (theo Vietnamese Art – K. MOELLER).
Sau đó, CDMTNTDD đã được phân tách (theo Nghị định ngày 22/10/1942 của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương) thành 02 đơn vị đào tạo: Mỹ thuật thuần túy (bao gồm Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc) và Mỹ thuật ứng dụng. Và vì chiến tranh nên CDMTNTDD đã phải chia thành 3 bộ phận sơ tán (tháng 12/1943) ở 3 nơi : các Lớp Mỹ nghệ ở Phủ Lý; Khoa Hội họa và một phần Khoa Điêu khắc lên Sơn Tây; Khoa Kiến trúc và Khoa Điêu khắc vào Đà Lạt.
Khoa Kiến trúc (năm 1944) được nâng thành Trường Kiến trúc (song vẫn trực thuộc CDMTNTDD – theo Nghị định ngày 22/2/1944). Khi Trường CDMTNTDD đóng cửa (năm 1945) thì Trường Kiến trúc Đà Lạt (sau năm 1945) vẫn tiếp tục đào tạo cho đến năm 1948. Sau đó, Trường Kiến Trúc Đà Lạt được hợp nhất (cuối năm 1948) vào Viện Đại học Đông Dương với tên gọi mới là Trường Cao đẳng Kiến Trúc, và rồi (năm 1950) được chuyển về Sài Gòn (trực thuộc Viện Đại học Hà Nội) và được đổi thành Trường Đại học Kiến Trúc Sài Gòn (trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn, năm 1967).
MỜI XEM CHI TIẾT: Trường CAO ĐẲNG MỸ THUẬT Đà Lạt
2: LOUIS PASTEUR (1822-1895) là nhà sinh học, vi sinh vật học, hoá học, là tín đồ Công giáo người Pháp. Ông đã có những phát hiện về các nguyên tắc của tiêm chủng, lên men vi sinh và thanh trùng (biện pháp thanh trùng của ông đã làm giảm tỷ lệ tử vong sau khi sinh đẻ, đã tạo ra loại vắc-xin đầu tiên cho bệnh dại, bệnh than). Ông được xem là một trong 3 người “cha đẻ của Vi sinh vật học” (cùng với Ferdinand Cohn, Robert Koch).
MỜI XEM CHI TIẾT: Bác sĩ LOUIS PASTEUR
3: GASTON PUSCH – là một Kiến trúc sư, Kỹ sư người Pháp – làm việc tại Sài Gòn trong khoảng thời gian 1898 – 1902; ông phụ trách hầu hết các công trình hành chính của khu vực thành phố Sài Gòn trong thời Pháp thuộc.
4: FRANCOIS PELLERIN (1813-1862) là học sinh xuất sắc tại Tiểu chủng viện Saint-Vincent, Đại chủng viện Quimper, Trường Thần học tại Saint-Sulpice (Paris), và được phong chức linh mục tại Nhà nguyện Couvent des Oiseaux, sau đó làm Cha phó ở Saint-Louis de Brest, rồi gia nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại tại Rue du Bac, Paris, rồi nhận quyết định đi Đàng Trong (năm 1843) và đến Bình Định làm Giám mục phó cho Giám mục ÉTIENNE CUÉNOT và được đặt tên là PHAN (PELLERIN PHAN) – được bảo trợ bởi Thái bộc MICAE HỒ ĐÌNH HY (một vị quan triều Nguyễn theo Công giáo) rồi đến Huế (tháng 3/1848) trú tại Chủng viện Joshe và thành lập Hiệp hội Thánh Tâm–Mân Côi.
Sau đó, PELLERIN trở về Pháp (năm 1857) và hội kiến với Hoàng đế NAPOLÉON III tại Biarritz để báo cáo tình hình ở Việt Nam. Cùng với sự tác động của Hoàng hậu EUGÉNIE (một người rất sùng đạo), NAPOLÉON III (1808-1873) đã quyết chí đánh chiếm Việt Nam và giao nhiệm vụ cho Đô đốc RIGOULT DE GENOUILLY thực hiện cuộc bảo hộ của Pháp lên Việt Nam.
MỜI XEM CHI TIẾT: Giám mục FRANCOIS PELLERIN
5: Đường số 24: Từ trước năm 1865, 25 con đường ở Sài Gòn chỉ mang số thứ tự từ 1 đến 26 kế tiếp nhau. Đến ngày 1/2/1865, Đề đốc DE LA GRANDIÈRE mới đặt tên cho từng con đường theo tên của các một vị quan người Pháp.
6: ÉTIENNE RICHAUD (1841-1899), là Chính trị gia người Pháp, làm Chánh văn phòng Bộ Thương mại và Thuộc địa, làm Tổng đốc ở Ấn Độ thuộc Pháp và sau đó làm Toàn quyền Đông Dương (1888–1889) ở Sài Gòn.
Ông xuất thân trong một gia đình ngư dân Pháp song lại rất say mê nghiên cứu khoa học và được nhận vào học tại Trường Hàng hải, học thêm tiếng La-tinh tại Tiểu chủng viện vùng Aix-en-Provence, sau đó tiếp tục theo học để lấy bằng cử nhân và tham gia hoạt động với Dòng tu Anh em Grey, rồi lại tiếp tục học luật và vào làm việc trong Bộ Hải quân thuộc địa Pháp, rồi được điều sang Đông Dương (năm 1888) và tạm thời giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ trước khi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương (tháng 4/1888, thay cho ERNEST CONSTANS).
MỜI XEM CHI TIẾT: Chính trị gia ÉTIENNE RICHAUD
7: PHAN ĐÌNH PHÙNG (1847-1896) hiệu Châu Phong (珠 峰), tự Tôn Cát, là nhà cách mạng Việt Nam lãnh đạo Phong trào Cần Vương khởi nghĩa ở Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) chống thực dân Pháp, là Đại sĩ phu Nho giáo, là một Vị anh hùng dân tộc. PHAN ĐÌNH PHÙNG nổi tiếng với ý chí và nguyên tắc sắt đá của bản thân – không chịu đầu hàng ngay cả khi quân Pháp quật mồ mả tổ tiên, bắt giữ và dọa giết gia đình.
PHAN ĐÌNH PHÙNG xuất thân trong một gia đình quan lại ở Hà Tĩnh. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra chán ghét với cách học bảo thủ, tuy vậy ông vẫn kiên trì học tập cho đến khi đỗ Cử nhân (khóa thi Bính Tí 1876) và trở thành Đình nguyên Tiến sĩ trong kỳ thi Đình năm sau (1877). Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ làm Tri huyện Huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) và nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, kiên quyết chống tham nhũng. Nhờ sự chính trực của mình, PHAN ĐÌNH PHÙNG được thuyên chuyển vào kinh thành và gia nhập Đô sát viện và cũng vì chính trục phản đối Đại thần Phụ chính TÔN THẤT THUYẾT mà bị tước hết chức vị, ngồi tù rồi bị đày về quê.
Lúc đó, Pháp vừa mới xâm chiếm Việt Nam và thành lập Liên bang Đông Dương. PHAN ĐÌNH PHÙNG đã tổ chức các đội quân nổi dậy, hưởng ứng Phong trào Cần Vương và được HÀM NGHI phong làm Tán lý Quân vụ, lãnh đạo các nghĩa quân. Ông tập hợp sự ủng hộ từ các làng quê, lập đại bản doanh trên núi Vũ Quang (???), một nơi có thể nhìn ra pháo đài ven biển của Pháp. Nghĩa quân của ông áp dụng Chiến thuật du kích (với khoảng 1000 người với 500 khẩu súng), xây dựng mạng lưới gián điệp, lập căn cứ và xưởng sản xuất vũ khí nhỏ. Chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ và cuối cùng PHAN ĐÌNH PHÙNG đã suy sụp và chết vì bị thương trong chiến trận khi bị quân Pháp bao vây và trong một trận giao tranh ác liệt, PHAN ĐÌNH PHÙNG đã bị thương nặng rồi hy sinh (ngày 28/12/1895).
MỜI XEM CHI TIẾT: Đình nguyên Tiến sĩ PHAN ĐÌNH PHÙNG
8: NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888), tục Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù), là Đại thi sĩ của Việt Nam (nửa cuối thế kỷ thứ 19).
Ông là con đầu lòng trong một gia đình nhà Nho và đã theo học với một ông thầy đồ ở làng. Ông được cha gửi cho một người bạn (Thái phó ở Huế) để tiếp tục việc học và sống ở Huế (từ 1833 – lúc 11 tuổi đến 1840, lúc 18 tuổi), rồi sau đó trở về Gia Định, làm Thư lại Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn của Tả quân LÊ VĂN DUYỆT. Ông đỗ Tú tài (năm 1843) ở Trường thi Gia Định và lại ra Huế (năm 1847) học để chờ khoa thi (năm Kỷ Dậu 1849). Nhưng khi nghe tin mẹ mất (31/12/1848), ông bỏ thi và theo đường bộ trở về Gia Định để chịu tang mẹ; trên đường về, vì quá khóc thương mẹ và vất vả trên đường trường cũng như thời tiết thất thường, nên khi đến Quảng Nam thì ông bị ốm nặng, đành nghỉ lại để chữa bệnh ở nhà của một vị thầy thuốc (vốn dòng dõi Ngự y), và ở đây ông đã học được nghề thuốc song mắt đã bị mù; hôn thê lại bội ước, cửa nhà lại sa sút… Ông đóng cửa chịu tang mẹ và sau đó (năm 1851) mở trường dạy học, làm nghề thuốc ở Bình Vi (Gia Định). Ông bắt đầu sáng tác Truyện thơ Lục Vân Tiên trong thời gian này.
Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (năm 1859), NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU đưa gia đình về sống ở Thanh Ba (quê vợ ở Cần Giuộc). Sau Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862), Pháp chiếm trọn 03 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông cùng gia đình lại rời Thanh Ba về Ba Tri (Bến Tre) và tiếp tục dạy học, làm thuốc, làm thơ trong suốt hơn 20 năm (dù mắt đã bị mù lòa); sau đó (năm 1877) về làng An Bình Đông (An Đức sau này, cách chợ Ba Tri khoảng 2km).
MỜI XEM CHI TIẾT: Đại thi sĩ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
9: Thành Bát Quái: NGUYỄN ÁNH (về sau lên ngôi vua Gia Long, năm 1802) mở rộng (năm 1790) dinh Phiên Trấn (trấn Phiên An, năm 1698) ở xóm Tân Khai, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, phủ Tân Bình với yêu cầu phải hoàn thành việc đắp thành Bát Quái (thành Quy) trong 10 ngày.
Thành Bát Quái được xây dựng theo kiểu thành cổ Châu Âu – kiểu Vauban (dạng đa giác với nhiều nhánh nan hoa), có 8 cửa – ứng với 8 quẻ (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) – với các cửa mở ra 8 hướng và có 3 lớp bảo vệ :
+ Lớp tường thành trong cùng được xây bằng đá ong Biên Hoà;
+ Lớp ở giữa là hào rộng 15 trượng 5 thước (tức 155 thước # 65,9m), sâu 14 thước (khoảng 5,9m);
+ Lớp tường thành ngoài cùng được gọi là “Luỹ bằng đất” (Luỹ Bán Bích) với chu vi 794 trượng (khoảng 3,38km).
Sau khi dẹp tan cuộc nổi loạn của LÊ VĂN KHÔI, Vua MINH MẠNG đã cho phá tan thành Quy (năm 1835) và xây thành Phụng (năm 1837).
MỜI XEM CHI TIẾT: Cổ Thành Bát Quái
10: Hồ Con Rùa: Vị trí này ngày xưa (năm 1790) là Cổng Khảm Khuyết (Vọng Khuyết) của thành Bát Quái (thành Quy). Về sau (năm 1921), nơi đây trở thành Vòng xoay Công trường MARÉCHAL JOFFRE (Công trường Ba Hình), Công trường Chiến Sĩ (năm 1956), Hồ Con Rùa (năm 1967, do KTS. Nguyễn Kỳ thiết kế).
MỜI XEM CHI TIẾT: Cổ Thành Bát Quái
11: Thành Vauban: VAUBAN – viết đây đủ là SÉBASTIEN LE PRESTRE DE VAUBAN là tên của Kiến trúc sư người pháp (1633–1707) dưới thời Vua LOUIS XIV. Ông sinh ra trong thời loạn của các cuộc nội chiến ở Pháp và ông đã sớm thể hiện tài năng của mình trong lĩnh vực khoa học quân sự. Ông đã xây dựng hơn 30 tòa thành và không dưới 300 đồn lũy – tất cả đã được thiết kế thống nhất theo một phong cách kiến trúc riêng biệt và chúng được gọi tên là Kiến trúc Vauban.
Thành Vauban là một hệ thống phức hợp bao gồm các bộ phận công trình liên quan mật thiết với nhau và mang tính phòng thủ toàn diện từ tường thành, pháo đài, đài giác bảo, pháo môn, tường bắn, … cho đến hào thành và các đường bao ở phía bên ngoài hào cản. Khi được tính toán kỹ lưỡng về mặt bố cục và kích thước, khối công trình Vauban đồ sộ ấy hoàn toàn có thể tạo ra những “đô thị bất khả xâm phạm”.
MỜI XEM CHI TIẾT: Thành Vauban
12: Trường Đại học Luật: Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn (ĐHLSG) là trường thành viên của Viện Đại học Sài Gòn, được thành lập năm 1955 và giải thể vào năm 1976.
ĐHLSG có gốc từ Trường Cao đẳng Luật học (École Supérieure de Droit) ở Hà Nội và được đổi thành Phân khoa Luật (Faculté de Droit) (năm 1938) trực thuộc Trường Đại học Luật Paris. Phân khoa Luật hoạt động đến năm 1945 thì bế giảng vì Thế chiến II và được tái khai giảng (năm 1947) và mở rộng thêm một chi nhánh (cũng ở Sài Gòn). Ngoài ra còn có 02 trường luật khác là Trường Luật khoa của Viện Đại học Huế (năm 1957) và Trường Luật khoa thuộc Viện Đại học Cần Thơ (năm 1966).
Văn bằng cao nhất của Phân khoa Luật là Bằng Cao học Luật (Diplôme D’etudes Superieures de Droit, DES); muốn lấy bằng Tiến sĩ thì phải sang Pháp.
Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn có 03 Ban :
+ Ban Công pháp gồm luật hiến pháp, luật hành chánh và luật công pháp quốc tế;
+ Ban Tư pháp gồm dân luật, hình luật, luật thương mại và tư pháp quốc tế;
+ Ban Kinh tế gồm phân tích kinh tế, lịch sử học thuyết, địa lý kinh tế phát triển.
Sinh viên Luật còn phải học thêm môn Cổ luật Việt Nam.
Sau Hiệp định Genève (năm 1954), Cơ sở ở Hà Nội chuyển hẳn vào Sài Gòn và sáp nhập vào Viện Đại học Sài Gòn; và đổi thành Đại học Luật khoa Sài Gòn (sau năm 1975). Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn được đổi tên thành Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 27/10/1976, theo Quyết định số 426/TTg của Thủ tướng Chính phủ). Khoa Luật (Luật kinh tế, Luật Kinh doanh quốc tế) ở trường này được mở lại vào năm 2001.
13: École Maternelle: Ngôi trường Nuôi Dạy Trẻ (École Maternelle) này nằm trên lô đất ở góc đường Richaud (đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) và đường Gracerie (đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay) – tức Trường Đại học Kinh Tế TPHCM ngày nay. Không có tư liệu (!?) để xác định rõ Nhà Trẻ này được xây dựng vào năm nào! nhưng trên Bản đồ Sài Gòn năm 1900 thì chưa thấy có; song trên Bản đồ Sài Gòn năm 1912 thì đã có xuất hiện.
14: Phòng Đọc sách Thiếu niên Trung tâm: Công trình này nằm trên lô đất ở mặt tiền đường Pellerin (đường Pasteur ngày nay) – bên cạnh Trường Đại học Kiến Trúc TPHCM ngày nay. Không có tư liệu (!?) để xác định rõ công trình này được xây dựng vào năm nào! nhưng trên Bản đồ Sài Gòn năm 1921 thì chưa thấy có; song trên Bản đồ Sài Gòn năm 1942 thì đã có xuất hiện.
15: Hoa viên Vạn Xuân: Khởi đầu là Trạm máy điện – thường được gọi là Nhà máy Đèn; không rõ được xây vào năm nào nhưng trên Bản đồ Sài Gòn năm 1896 thì chưa có Hoa viên này; còn trên Bức tranh toàn cảnh Sài Gòn do GASTON PUSCH vẽ vào năm 1898 thì có thể hiện Hoa viên này với một toà nhà nằm ở giữa Hoa viên và 4 trụ biểu (có lẻ là 4 trụ đèn) ở các góc của khu đất rộng 1,5 ha được giới hạn bởi 4 con đường: Mac Mahon /đường Nam kỳ khởi nghĩa ngày nay, Pellerin /đường Pasteur ngày nay, Testard /đường Trần Quý Cáp ngày nay, Richaud /đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay. Chưa biết lúc đầu Hoa viên được mang tên gì nhưng trên Bản đồ Sài Gòn năm 1960 thì có ghi tên của Hoa viên là Hoa viên Vạn Xuân.
MỜI XEM CHI TIẾT: Hoa viên Vạn Xuân
16: Nhà Thi đấu TDTT Phan Đình Phùng: Công trình được xây dựng vào năm 1977 và bị phá bỏ vào năm 2017 để xây dựng mới Trung tâm TDTT mang tầm quốc tế nhưng cho đến nay dự án này vẫn chưa được tiến hành.
MỜI XEM CHI TIẾT: Dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng
Clip TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC TP.HCM 360 độ tương tác
Hình 10: Tổng thể TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC Tp.HCM – 360 độ tuong tác.
BAN BIÊN TẬP
09 /20223
hochanhkientruc@gmail.com