vuonghongsen-hochanhkientruc.art
                                                       Hình 1:  VƯƠNG HỒNG SỂN & Tác phẩm

      VƯƠNG HỒNG SỂN (27/9/1902, Sóc Trăng, mang 3 dòng máu: Việt, Hoa, Khmer – 9/12/1996, Tp.Hcm, thọ 94 tuổi) – tên thật là Vương Hồng Thạnh (Vương Hồng Thịnh), bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai – là một nhà văn hóa, học giả có hiểu biết sâu rộng về miền Nam, là nhà sưu tập đồ cổ Việt Nam rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ học Việt Nam.

     Ông học Trường Collège Chasseloup Laubat, đậu bằng Brevet Elémentaire, rồi đi làm công chức ngạch thư ký (năm 1923-1943), làm trong dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939–1943), phụ trách Quyền Quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (Sài Gòn, từ năm 1948) cho đến khi về hưu (năm 1964). Ông rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy; phần lớn những tác phẩm của ông được rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn lưu giữ được.

     Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài Vô tuyến Việt Nam với các bút hiệu: Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xác định niên đại và phân loại một số đồ gốm cũng như hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ.

     Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay, …

     Một số tác phẩm của ông đã để lại: Thú chơi sách (1960); Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960, III 1992); Hồi ký 50 năm mê hát (1968); Phong lưu cũ mới (1970); Thú xem chuyện Tàu (1970); Thú chơi cổ ngoạn (1971); Chuyện cười cố nhân (1971); Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972); Cảnh Đức trấn đào lục (1972); Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972); Hơn nửa đời hư (1992); Tạp bút năm Nhâm Thân (1992); Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn (1993); Những đồ sứ do đi sứ mang về (1993); Những đồ sứ khác Quốc dụng, Ngự dụng v.v.. (1993); Tạp bút năm Quý Dậu (1993); Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994); Nửa đời còn lại (1995); Thú ăn chơi; Khảo về hát bội.

     Khi qua đời, ông đã hiến tặng ngôi nhà Vân Đường phủ (số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh) và toàn bộ Bộ sưu tập hơn 800 cổ vật của ông (trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là đồ gốm men xanh trắng thế kỷ thứ 17-19) cho Nhà nước Việt Nam với hy vọng được thành lập một bảo tàng nhỏ mang tên ông. Năm 2003, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố ngôi nhà Vân đường phủ.

vanduongphu-vuonghpongsen-hochanhkientruc.art
Hình 2:  Vân Đường Phủ, Bình Thạnh – ngôi nhà cổ với bộ sưu tầm đồ cổ cống hiến của VƯƠNG HỒNG SỂN.

BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc.art
9 /2022

BÀI VIẾT LIÊN QUAN :
◊  BA SON xưa 1791 và nay 2015 – Phần 1