Hình 1: Sài Gòn–Bến Nghé 1820 – Tranh vẽ: JOHN WHITE, sĩ quan hải quân Mỹ (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia)
Năm 1790, võ tướng TRẦN VĂN HỌC1 được vua GIA LONG giao cho nhiệm vụ thiết kế phác thảo đường xá, bố trí phố phường trong kinh thành và cùng phối hợp với hai người Pháp – sĩ quan hải quân OLIVIER DE PUYMANEL2 và Khâm sai Cai đội THÉODORE LEBRUN3 – dưới sự chỉ huy của võ tướng TÔN THẤT HỘI4 – đặc trách công chánh – xây đắp Thành Phiên An5 (hay Thành Bát Quái).
Bản đồ Sài Gòn xưa đầu tiên do Võ tướng TRẦN VĂN HỌC vẽ vào năm 1815 (niên hiệu Gia Long 18) và trắc đạc theo phương pháp của Phương Tây.
Xin rê chuột trên bản đồ để xem các chi tiết được phóng lớn.
Hình 2: Bản đồ Phủ Tân Bình (Sài Gòn) 1815 do TRẦN VĂN HỌC vẽ
(Nguồn: Địa chí Văn hóa TP.HCM, tập I, NXB TP.HCM, 1987)
Ghi chú: Chữ Latin do Nhà sử học NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU10 Việt hoá chữ Nôm và ghi chú bổ sung.
Hướng Bắc hướng về góc phía trên bên phải.
Khu vực bờ sông Bến Nghé & các kênh, rạch bao quanh
◊ Sông Bến Nghé – còn gọi là sông Ngưu Chử (Bến Trâu), Tân Bình Giang (vì chảy qua Phủ Tân Bình6) – là sông Sài Gòn ngày nay (tên Sài Gòn do người Pháp đặt sau khi chiếm Thành Gia Định, 1859) – uốn lượn theo hướng Bắc Nam, hợp lưu với hai dòng nhánh – sông Bình Trị (rạch Thị Nghè ngày nay) và sông Bình Dương (rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ ngày nay) bao bọc ở hai mạn Bắc, Nam của thành Gia Định.
◊ Chợ Bến Nghé (Chợ Sỏi) : chợ tự phát hình thành bởi ghe thuyền trên sông và cặp dọc bờ sông Bến Nghé.
◊ Chợ Bến Thành (Chợ Cũ) : được xây bằng gạch, gỗ, có mái lợp bằng rôm rạ, gồm có 5 gian theo dạng nhà lồng trống vách, tọa lạc bên bờ Nam của kênh Lớn (Nguyễn Ánh cho đào năm 1790 – kênh Charner về sau 1860, đường Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế ngày nay) và bờ Bắc của rạch Cầu Sấu (đường Hàm Nghi ngày nay) – vị trí khá thuận lợi cho ghe thuyền có thể tiếp cận từ sông Bến Nghé (sông Sài Gòn ngày nay), rạch Sa Ngư ở phía Bắc và sông Bình Dương (kênh Tàu Hủ ngày nay) ở phía Nam.
Chợ Bến Thành cũ này được người Pháp xây dựng lại (năm 1860) với sườn thép, mái lợp ngói và về sau (năm 1911) được dời về khu bãi lầy ao Bồ Rệt (Mare de Boresse) – vị trí chợ Bến Thành mới hay chợ Sài Gòn ngày nay.
◊ Xưởng Thuỷ (Xưởng Chu Sư): ở phiá Đông của thành Bát Quái, cách khoảng 1 dặm (576 m), nằm ở bờ giao lộ của sông Bến Nghé (sông Sài Gòn ngày nay) và sông Bình Trị (sông Thị Nghè ngày nay); xưởng dài đến 3 dặm (1km 728) – Xưởng Ba Son (Bassin de radoub) ngày nay nằm ở vị trí này. Xưởng Thuỷ được Nguyễn Ánh cho thành lập vào năm 1791 để chế tạo các loại thuyền, chiến hạm, ghe đen, ghe đỏ (ghe chiến có thân to, dài, dày, chắc, nhiều dầm chèo; ghe sơn đen gọi là ghe đen; ghe sơn son gọi là ghe đỏ), ghe lê (đầu thuyền và đuôi thuyền có chạm vẽ).
Khu vực Trung tâm – thành Qui
◊ Thành Qui (thành Bát Quái) được Nguyễn Ánh cho xây dựng trên cơ sở mở rộng dinh Phiên Trấn (dinh cũ 1698, trấn Phiên An) ở lân (xóm) Tân Khai, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, phủ Tân Bình vào năm 1790 với yêu cầu phải hoàn thành việc đắp thành Bát Quái (thành Qui) trong 10 ngày.
“Thành Bát quái có 3 lớp bảo vệ :
1) Lớp trong cùng xây bằng đá Biên Hoà (thật sự là đắp đất trộn phên, rôm) cao 13 thước8 (# 5,2m); chân tường dầy 7 trượng 5 thước (# 30m); theo Vương Hồng Sển – sách “Sài Gòn năm xưa” trang 53, NXB Tổng Hợp Đồng Nai: “Hiện mớ đá lục lăng tìm năm 1926 còn lưu trữ tại kho của Viện Bảo tàng trong Vườn Bách thảo…”;
2) Lớp giữa là hào rộng 15 trượng 5 thước (# 62m), sâu 14 thước (# 5,6m); cũng theo ông Sển: “… thuở nhỏ, tôi nhớ tại góc đường Phan Đình Phùng (đường Richaud cũ)7 chạy qua đại lộ Đinh Tiên Hoàng (đường Albert 1er cũ) có một hào thành sâu hóm, … có đặt hai cây cầu bắc qua hai hào cạn (hào trong và hào ngoài)… Về sau hào thành bị lấp dần mất dạng, chỗ thì trồng dâu rồi biến thành Sở Canh nông và Trại Gia đình binh sĩ Hồng Thập Tự, chỗ mới bồi đây dựng lên Viện Quốc gia khảo về Vi trùng và Bịnh lý gia súc, chôc cất dinh thự các nhân viên Hãng Hàng không. Một di tích hào thành khác nữa còn sót lại là đường Mạc Đĩnh Chi và Trần Cao Vân (đường Massiges và Larclauze cũ)”; ở góc này khoảng năm 1924-1925 là nơi đất trống, … Cũng xóm này, thuở ấy có những trạm xe lửa đặt tên rất kêu: gare Larclauze là ga Hàng Sao; gare “la Citadelle” là ga Hào Thành, nay tên (Hào Thành) đã nhường lại cho sân cỏ đá banh và dãy nhà nhiều tầng mới cất.“;
3) Lớp ngoài là “luỹ bằng đất” (Luỹ bán bích) với cạnh dài 794 trượng (# 318m).” (theo NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU10, Địa lý lịch sử TPHCM in trong Địa chí văn hoá TPHCM, NXB. TPHCM, 1987).
Thành Bát Quái có 8 cửa – ứng với 8 quẻ (Cấn, Đoài, Ly, Chấn, & Khôn, Khảm, Càn, Tốn – tương ứng Đông, Tây, Nam, Bắc & Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam, Đông Nam) – bằng đá ong, mở ra 8 hướng :
1) phía Bắc: giáp sông Bình Trị (rạch Thị Nghè ngày nay);
2) phía Đông Bắc: có cửa Cấn Chỉ (Hoài Lai) kết nối với đường Thiên Lý đi Huế (Quốc lộ 1 ngày nay);
3) phía Đông: giáp sông Bến Nghé (sông Sài Gòn ngày nay), kết nối với Thủ Thiêm, An Khánh, có cửa Ly Minh.
4) phía Đông Nam: giáp sông Bình Dương (rạch Bến Nghé ngày nay) và Khánh Hội, có cửa Càn Nguyên;
5) phía Nam: kết nối với Tân Kiệm, Tân Kiểng, Chợ Lớn, Chùa Cây Mai, có cửa Tốn Thuận (Tịnh Biên);
6) phía Tây Nam: kết nối với Hoà Hưng, Luỹ Bán bích;
7) phía Tây: có cửa Đoài Duyệt (Tuyên Hoá) kết nối với Trường súng, Tân Sơn Hoà và đường Thiên Lý đi Nam Vang;
8) phía Tây Bắc: có cửa Khảm Hiểm (Võng Khuyết) kết nối với đường đi Tân Định, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Hoà xã (Bình Dương ngày nay).
MỜI XEM: Chi tiết thành Qui (thành Bát quái) – Sài Gòn xưa qua bản đồ 1790.
◊ Ở góc phía Bắc của thành Qui có thành Phụng (hình vuông, thành Gia Định) do vua Minh Mạng cho xây (năm 1836). Bản đồ này – in trong sách Địa chí văn hoá TPHCM 1987 – do Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU10 ghi thêm vào Bản đồ phủ Tân Bình 1815 (do Trần Văn Học vẽ ) – xem hình dưới :
Xin rê chuột trên bản đồ để xem các chi tiết được phóng lớn.
Bản đồ Sài Gòn 1815 do TRẦN VĂN HỌC vẽ (Nguồn: Bulletin de la Société des études indochinoise – Thư viện Quốc gia Pháp)
(Chú thích tiếng Pháp – lược dịch: Bản đồ Gia Định và các vùng lân cận – được vẽ bởi Trần Văn Học vào ngày 4 tháng 12 năm Gia Long thứ 14 (được tái lập từ bản sao của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp – École Française d’Êxtreme Orient). Có thể thấy vị trí Kinh thành (thành Qui) của Gia Long, những công sự phòng thủ ở phía Bắc và phía Nam, tổng thể Cổ luỹ của Nguyễn Đức Đàm (đúng là Nguyễn Cửu Đàm) trên Cánh đồng Mộ, cũng như Cổ luỹ thứ hai ở phía Tây của Chợ Lớn.)
Khu vực dọc bờ sông Bình Dương – phía Nam Sài Gòn
◊ Đường Thiên Lý phía Nam 1900: Đường Thiên Lý thứ ba – đi về phía Nam – khởi đầu từ cửa Tốn Thuận (thành Qui) – (góc đường Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) – qua chùa Kim Chương, đến cầu Bình An, qua gò Chùa Tuyên, kết nối Sài Gòn-Chợ Lớn (năm 1900) – (là đường Nguyễn Trãi hiện nay) – đi Phú Lâm, xuống Mỹ Tho và đến các tỉnh miền Tây – đến sông Thuận An, bến đò Thủ Đoàn (sông Hưng Hòa, Thủ Thừa ngày nay), qua gò Trấn Định (Tiền Giang), gò Triệu. (theo Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí)
◊ Chợ Lớn (chợ Thầy Ngòn, Sài Gòn cũ): Người Hoa – Minh Hương (không thần phục nhà Thanh, rời Trung Quốc đến định cư ở Đàng Trong) lập làng Minh Hương ở Đề Ngạn (trước năm 1698). Đề Ngạn (堤 岸) đọc là “Thầy Ngòn” (theo tiếng Quảng Đông) hay Xấy Cung, Tây Cống (Xài Gòn) – tức Sài Gòn xưa gốc ở Chợ Lớn ngày nay. Chợ Sài Gòn xưa (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) do người Minh Hương lập ra, lớn hơn chợ Tân Kiểng (do người Việt lập) nên được gọi là Chợ Lớn.
Thành phố Chợ Lớn (tiếng Pháp ghi là Cholon hay Cholen, Cho Leun) được thành lập ngày 6/6/1865 theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ, gồm có 3 tổng: Tân Phong Thượng, Tân Phong Trung, Tân Phong Hạ thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, rộng khoảng 1 km2. Thành phố Chợ Lớn (Ville de Cholon) được công nhận là đô thị loại 2 (municipalité de 2e classe) ngang cấp tỉnh (theo Nghị định ngày 20/10/1879 do Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ký) thuộc Liên bang Đông Dương.
Tuyến xe điện Sài Gòn-Chợ Lớn – tuyến đầu tiên ở Việt Nam (ngày 1/7/1882) – dài 5km, rộng 1m – kết nối Chợ Lớn (Sài Gòn xưa) và Sài Gòn mới (tức Bến Nghé). Sau đó (năm 1916), đường Galliéni (đường Trần Hưng Đạo ngày nay) được đắp và trải đá ong.
Khu Sài Gòn-Chợ Lớn được lập (ngày 27/4/1931) khi hợp nhất Sài Gòn (Bến Nghé) và Chợ Lớn. Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn được thành lập (năm 1951) thay cho Khu Sài Gòn-Chợ Lớn; và địa danh Chợ Lớn chỉ còn được dùng để chỉ khu vực thuộc các Quận 5, 6, 11 (Sài Gòn trước 1975).
◊ Kênh Ruột Ngựa 1772 (Mã Trường Giang): Hữu quân Phó tiết chế Đốc chiến NGUYỄN CỬU ĐÀM chỉ huy đào kênh Ruột Ngựa (năm 1772) từ cửa Rạch Cát ra đến Lò Gốm ở phiá Bắc, giúp đi lại giữa Sài Gòn và miền Tây được thuận lợi. Kinh Ruột Ngựa nối kinh Tàu Hủ ra sông Rạch Cát, dài gần 3 km, rẽ trái đi Cần Giuộc, Cần Đước, rẽ phải đi Chợ Đệm, Bến Lức. Kinh Ruột Ngựa là kinh đào đầu tiên nối kinh Tàu Hủ và vùng Chợ Lớn với vùng đất phía Tây. Kênh Ruột Ngựa bị cạn lắp năm 1889.
◊ Kênh An Thông 1819 (đúng ra bản đồ Sài Gòn 1815 thì chưa có kênh này): Phó tổng trấn HUỲNH CÔNG LÝ chỉ huy, đốc thúc hơn 10.000 dân phu trong trấn Phiên An đào kinh An Thông (năm 1819) khởi đầu từ rạch Lò Gốm đến cuối kênh Ruột Ngựa, nối kinh Tàu Hủ thông ra sông Rạch Cát. Kinh An Thông rộng khoảng 40 m, sâu khoảng 4 m, dài khoảng 5 km.
Khu vực dọc đường Cái Quan – phía Tây Sài Gòn
◊ Cổ luỹ Bán Bích 1772: Luỹ do Đốc chiến NGUYỄN CỬU ĐÀM xây (năm 1772), dài 15 dặm (8,64 km), kéo dài từ chùa Cây Mai (rạch Bến Nghé) – Chợ Lớn bao vòng lên Hoà Hưng, Tân Định, chạy đến rạch Thị Nghè, là thành luỹ ngăn quân Xiêm từ biên giới phía Tây thường sang quấy nhiễu.
◊ Đường Thiên Lý phía Tây 1815 (đường Thiên Lý đi miền Tây): Đường Thiên Lý thứ hai – đi về phía Tây (là đường Cách Mạng Tháng Tám – từ bùng binh ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương quận 1, đến ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình, Bà Quẹo, Hóc Môn qua Tây Ninh, sang Campuchia) – được tổng trấn Lê Văn Duyệt cho đắp (năm 1815) từ cửa Đoài Duyệt (Thành Qui) đến A-Ba (Cao Miên), dài 439 dặm (707 km) với mặt đường rộng 6 tầm; đây là tuyến đường huyết mạch dưới triều Nguyễn kết nối Gia Định và Nam Vang (Cao Miên).
Khu vực phía Bắc Sài Gòn – tổng Bình Trị Trung
◊ Đường Thiên Lý phía Bắc 1748: Đường Thiên Lý thứ nhất – đi về phía Bắc – do Quan điều khiển Nguyễn Phúc Doãn chỉ huy (năm 1748, niên hiệu Thế Tông 11) mở đường – (là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay) – khởi đầu từ cửa Cấn Chỉ (thành Qui) qua cầu Thị Nghè, Cầu Sơn (quận Bình Thạnh), đến bến đò Bình Đồng (dài 17 dặm # 27,4 km), đến núi Châu Thới (Biên Hòa) rồi đổ về Mô Xoài (Bà Rịa).
BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc@gmail.com
10 /2019 – cập nhật ngày 2/9/2022
CHÚ THÍCH :
1: TRẦN VĂN HỌC (174?, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định – 182?), là võ tướng nhà Nguyễn, là người Việt đầu tiên vẽ các bản đồ địa lý và bản đồ Sài Gòn-Gia Định theo phương pháp kỹ thuật của phương Tây. (theo Nguyễn Đình Đầu, Điạ lý lịch sử TPHCM, Điạ chí văn hoá TPHCM, 1987)
Ông – cùng Bá Đa Lộc – đã đưa mẹ của chúa Nguyễn cùng gia quyến chạy lánh nạn quân Tây Sơn sang Cao Miên (năm 1783), đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp (năm 1783).
Nhờ giỏi chữ Quốc ngữ, chữ Latinh và tiếng Pháp nên ông phụ trách thông ngôn cho Nguyễn Ánh; ông còn dịch nhiều sách (nhất là các sách kỹ thuật Phương Tây) và kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí khác. Ông còn học cách đóng tàu bằng đồng theo kiểu mới của người Pháp; ông cũng đã cùng với đô đốc Vannier chỉ huy các chiến thuyền này đánh quân Tây sơn. Ông còn là người vẽ họa đồ và chỉ huy xây dựng thành Mỹ Tho (năm 1792).
Ông là người đã phác họa đường sá, vạch đường, phân khu phố phường trong thành Quy tức thành Bát Quái (do Nguyễn Ánh phân công khi chuẩn bị và cho xây thành Bát Quái vào năm 1790). Ông được thăng chức Cai cơ (năm 1802, niên hiệu Gia Long 1), chức Giám thành sứ Khâm sai Chưởng cơ (năm 1803). Ông đã vẽ bản đồ thành Gia Định (năm 1815, niên hiệu Gia Long 14) và lúc đã gần 80 tuổi – vẫn được vua Minh Mạng (năm 1821, niên hiệu Minh Mạng 2) tin tưởng giao cho vẽ bản đồ sông núi, đường sá của các trấn ở quanh thành Gia Định – ra đến địa giới Chân Lạp. (theo Nghiêm Thẩm, Công trình sư Trần Văn Học, Tạp chí Văn hóa, số 61, 1962)
2: VICTOR OLIVIER DE PUYMANEL (1768, Carpentras, Pháp – 1799, Malacca, Malaysia, mất lúc 31 tuổi), tên Việt là NGUYỄN VĂN TÍN, là sĩ quan công binh và hải quân người Pháp. Ông tham gia giám sát xây dựng thành Bát Quái, thành Diên Khánh. Ông đã giúp hiện đại hóa lực lượng quân đội của Nguyễn Ánh và còn trực tiếp tham gia cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn đánh đuổi quân Tây Sơn để chiếm lấy Nha Trang. (theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia)
3: THÉODORE LEBRUN là lính tình nguyện người Pháp đến Nam Hà (Nam Kỳ) và được Nguyễn Ánh tin cậy phong chức Khâm sai Cai đội oai thanh hầu (ngày 27/6/1790) – có nhiệm vụ cai quản các thành trì. Lebrun sau đó đã bỏ việc và đi qua Macao năm 1791, rồi nhận công việc trông coi nhà thợ nhuộm của người bà con ở Ile de France (Pháp, 1792) (theo Thuỵ Khuê, Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long)
4: TÔN THẤT HỘI (1757 – 1798, thọ 41 tuổi), hay NGUYỄN PHƯỚC HỘI là một vị tướng văn võ song toàn, theo Định Vương Nguyễn Phước Thuần (1765-1777) vào Gia Định (năm 1775). Sau khi Nguyễn Phước Thuần bị Nguyễn Huệ giết, ông theo Nguyễn Ánh; khi Nguyễn Ánh từ Xiêm về chiếm lại Gia Định (năm 1787), ông giữ vai trò chủ chốt trong những trận chiến quyết liệt (1788-1789). Ông được bổ làm Chưởng Tiền quân doanh (năm 1791) và được thăng chức Bình Tây Đại Tướng quân tước quận công (năm 1793). Ông trấn thủ thành Gia Định (năm 1797) khi Nguyễn Ánh tiến ra đánh Quy Nhơn. Nguyễn Ánh đã giao nhiệm vụ cho ông đặc trách trông coi việc đắp hai thành trì lớn nhất thời đó – thành Gia Định (năm 1790) và thành Diên Khánh (năm 1793). TÔN THẤT HỘI là tướng đặc trách công chánh, có trách nhiệm cao nhất và TRẦN VĂN HỌC là phụ tá đắc lực của ông trong việc đắp thành Gia Định.
Ông bị bệnh mất (năm 1798) và được phong tặng Nguyên phụ công thần, Thượng phụ quốc Chưởng doanh. (theo Thụy Khuê, Ai là người đắp thành Gia Định)
5: Thành Phiên An (thành Qui): Nguyễn Ánh mở rộng dinh Phiên Trấn (cũ 1698, trấn Phiên An) ở lân (xóm) Tân Khai, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, phủ Tân Bình vào năm 1790 với yêu cầu phải hoàn thành việc đắp thành Bát Quái (thành Quy) trong 10 ngày.
Thành Bát quái có 3 lớp bảo vệ và 8 cửa – ứng với 8 quẻ (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài).
6: Phủ (đơn vị hành chính xưa) – hay Tỉnh, thuộc Trấn (Trấn Nam Kỳ 1832 – niên hiệu Minh Mạng 13 – có 3 phủ: Tân Bình, Tân An, Tây Ninh – hay Lục tỉnh: Gia Định hay Phiên An 1832-1835, Định Tường, Biên Hoà, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên), được quản lý bởi một vị quan – Tri Phủ.
Phủ Tân Bình lúc bấy giờ có 3 huyện (Bình Dương, Bình Long, Tân Long); vùng Sài Gòn – trên bản đồ 1815 – chỉ thấy có 2 huyện: Bình Dương, Tân Long.
Phủ, Huyện, Tổng, Xã là 4 cấp hành chính của tỉnh Gia Định (phủ Tân Bình) xưa. Dưới Huyện có Tổng. Tổng – tức liên xã – thuộc Huyện. Trên bản đồ, có 7 tổng (Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hoà Thượng, Dương Hoà Trung, Tân Phong Thượng, Tân Phong Hạ). Dưới Tổng có Xã, Thôn, Xóm.
7: Đường Phan Đình Phùng (năm 1960) tức đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay.
8: Bát quái gồm: Cấn, Đoài, Ly, Chấn, Khôn, Khảm, Càn, Tốn. Cung tương ứng với Mệnh: Cấn–Thổ, Đoài–Kim, Ly–Hỏa, Chấn–Mộc, Khôn–Thổ, Khảm–Thủy, Càn–Kim, Tốn–Mộc. Cung tương ứng với Hướng: Cấn-Đông, Đoài-Tây, Ly-Nam, Chấn-Bắc, Khôn-Tây Bắc, Khảm-Đông Bắc, Càn-Tây Nam, Tốn-Đông Nam.
9: Trượng – đơn vị đo chiều dài Việt Nam cổ = 4m = 2 ngũ = 10 thước; và các đơn vị ước số bao gồm :
+ 1 ngũ = 1/2 trượng = 2m = 5 thước;
+ 1 thước (1 xích) = 40cm = 10 tấc;
+ 1 tấc = 4cm = 10 phân;
+ 1 phân = 4mm = 10 ly;
+ 1 ly = 0,4mm = 10 hào;
+ 1 hào = 0.04mm = 10 ty;
+ 1 ty = 10 hốt;
+ 1 hốt = 10 vi.
Ngoải ra còn có các loại thước đo khác, như :
+ Thước ta (thước mộc): 0,425m;
+ Thước đo vải: 0,645m;
+ Thước đo đất: 0,47m.
Đo diện tích thì theo các đơn vị :
+ 1 mẫu = 10 sào = 3600 m²;
+ 1 sào = 10 miếng = 360 m²;
+ 1 miếng = 1,5 thước = 36 m²;
+ 1 thước = 24 m² = 10 tấc (thốn);
+ 1 tấc = 2,4 m² = 10 phân;
+ 1 phân = 0,24 m² = 1,5 ô;
+ 1 ô = 0,16 m² = 10 khấu.
Còn theo Trung Hoa cổ thì :
+ 1 Trượng (市 丈, zhang) = 2 bộ = 3,33 m;
+ 1 bộ (步, bu) = 5 xích = 1,66 m;
+ 1 xích (市 尺, chi) = 10 thốn = 1/3 m = 33,33 cm;
+ 1 thốn (市 寸, cun) = 10 phân = 3,33 cm;
+ 1 phân (市 分, fen) = 10 li = 3,33 mmi;
+ 1 li (市 厘, li) = 10 hào = 1/3 mm = 333,3 µm.
9: NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU (12/3/1920, phố Hàng Giấy, Hà Nội – hiện sống tại Tp.HCM), là nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý, lịch sử Việt Nam. Ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Khoa học-Xã hội tại Trường Đại học Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris, năm 1953) và là người say mê nghiên cứu các bản đồ cổ Việt Nam. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam và là tác giả của hàng trăm sách đã xuất bản và nhiều bài báo bằng 3 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh. Ông được trao các Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2005 cho công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn, Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2008, Giải thưởng về nghiên cứu đầu tiên), Kỷ niệm chương Đại đoàn kết.
◊ Mời xem thêm chi tiết: Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU.
GHI CHÚ :
◊ Nguồn ảnh minh họa ở đầu bài: Quang cảnh sông Sài Gòn năm 1820, tranh vẽ của JOHN WHITE, sách A Voyage to Cochinchina – Xuất bản: Longman, Hurst, Rees, Orme, Brown, and Green, Paternoster-Row, năm 1824.
◊ Nguồn tham khảo: Gia định thành thông chí; Đại Nam nhất thống chí; Địa chí văn hoá TPHCM, NXB. TPHCM, 1987;Thư viện Quốc gia Pháp; Bách khoa toàn thư Wikipedia; Tạp chí Văn hoá 1962; Văn khố số hoá Viện Nghiên cứu Việt Nam học; Thuỵ Khuê – Chim Việt cành Nam; John White – A voyage to Cochinchina 1824.
◊ Các chú giải do BAN BIÊN TẬP hochanhkientruc.art thực hiện.
BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc.art
09 /2022
MỜI XEM : SÀI GÒN xưa qua Bản đồ năm 1870